Xử lý cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn:

Cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xử lý vi phạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được sự hậu thuẫn mạnh mẽ, kiên định của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đoàn thể.

Nhiều cán bộ bị xử phạt

Đại diện Cục CSGT cho biết, từ ngày 30/8 - 15/10, 6 Tổ công tác của Bộ Công an thực hiện đôn đốc, trực tiếp kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông tại 58 địa phương.

Theo đó, 6 Tổ công tác đã phối hợp với Phòng CSGT, Công an cấp huyện các địa phương tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn, ma túy".

Tổ công tác đã ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang.
Tổ công tác đã ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang.

Cũng trong thời gian này, 6 Tổ công tác đã bàn giao cho Công an địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có 6.119 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 46 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra.

Đặc biệt, 6 Tổ công tác đã ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang...

Điển hình tại tỉnh Bắc Giang, Tổ công tác phát hiện và bàn giao cho địa phương lập biên bản xử lý 436 trường hợp. Trong đó, 399 trường hợp (59 ô tô, 338 xe mô tô, 2 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn, 4 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra, 1 trường hợp vi phạm về ma túy và 32 trường hợp vi phạm khác. Qua xác minh nhanh, có 19 trường hợp là cán bộ, công chức.

Đại diện Cục CSGT cho biết, các trường hợp cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang... vi phạm thì ngoài việc phải nộp phạt còn bị gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý kỷ luật.

"Việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị đối với cá nhân vi phạm đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong sâu rộng quần chúng nhân dân và các cơ quan tổ chức. Từ người đứng đầu đơn vị đến công nhân viên chức, hình thành ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Mọi người khi tham gia giao thông đều bình đẳng, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý không có vùng cấm" - đại diện Cục CSGT đánh giá.

Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, 6 Tổ công tác đã bàn giao cho Công an địa phương khởi tố 8 vụ, 9 đối tượng (3 vụ, 4 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép; 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức).

Chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để xác minh, xử lý 37 vụ, trong đó 24 vụ liên quan đến ma túy, 10 vụ liên quan đến giấy phép lái xe không do cơ quan thẩm quyền cấp, 2 vụ không chấp hành, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ và 1 vụ có dấu hiệu đục số khung, số máy, gắn biển số không đúng với xe đang điều khiển.

Còn nhiều khó khăn

Việc xử lý nghiêm minh vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên nhìn vào thực tế có thể thấy, vẫn còn đó những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối lực lượng chức năng.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, thời gian qua, sự chú ý của dư luận, Nhân dân tập trung rất lớn vào công tác xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Kết quả xử phạt nghiêm minh đã mang đến hiệu ứng rất tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, văn hóa giao thông của người dân.

“Vi phạm liên quan đến nồng độ cồn ngày càng ít đi, thói xấu xin xỏ, lách luật đã dần bị triệt tiêu, thay vào đó là tâm lý “biết sợ”, thượng tôn pháp luật lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Và không chỉ các ma men sau tay lái biết sợ, nhiều “cậu trời” quen thói ỷ lại vào gia thế, quan hệ, tiền bạc, chống đối lực lượng chức năng cũng đã bị xử lý thẳng tay” – thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, việc xử phạt vi phạm đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang... thời gian tới sẽ gặp khó khăn hơn khi càng làm gắt gao, những người này khi vi phạm sẽ tìm mọi cách để che giấu thân phận của mình. Do vậy, cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cần được sự hậu thuẫn mạnh mẽ, kiên định của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đoàn thể để thẳng tay với mọi trường hợp, không vì nể, không e ngại. Về phía các đơn vị này, cũng cần có những hình thức xử phạt, kỷ luật đối với những cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang… vi phạm nồng độ cồn.

Luật sư  Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh cho biết: “Vi phạm nồng độ cồn chỉ bị phạt tiền, tước bằng lái, tịch thu xe. Nhưng chống đối lực lượng chức năng có thể phải vào tù, bỏ chạy có thể gây tai nạn cho người xung quanh, thậm chí là tự đánh mất tính mạng mình. Bởi vậy đã uống rượu bia thì đừng lái xe, đã vi phạm thì đừng chống đối hay bỏ chạy. Mỗi người cần sáng suốt lựa chọn cho mình: mất tiền nộp phạt hay mất tất cả vì rượu bia”.

 

“Những trường hợp chống đối kiểm tra vi phạm nồng độ cồn bị bắt giữ, xử lý thời gian qua là minh chứng rõ nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nhận thức, ý thức của người dân. Vì vậy cần đưa họ ra xét xử công khai, lưu động để nêu gương trong toàn xã hội” - luật sư Phạm Thanh Hải