Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nội địa khởi sắc cho ngành thép Việt Nam

Kinhtedothi - Quý I/2025 chứng kiến sự phân hóa rõ nét trong bức tranh ngành thép Việt Nam, khi nhu cầu nội địa khởi sắc mạnh mẽ nhưng thị trường xuất khẩu lại rơi vào tình trạng sụt giảm sâu do tác động từ các chính sách bảo hộ thương mại của các nền kinh tế lớn. Điều này đặt ngành thép vào thế "nội hứng khởi – ngoại ngột ngạt", đòi hỏi chiến lược điều chỉnh linh hoạt trong thời gian tới.

Thị trường nội địa duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

Đà tăng trưởng ấn tượng

Trong bối cảnh kinh tế trong nước phục hồi, tiêu thụ thép nội địa đã tăng mạnh, góp phần nâng sản lượng và sản lượng bán hàng toàn ngành. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chỉ riêng trong tháng 3/2025, sản lượng thép thành phẩm đạt 2,698 triệu tấn, tăng 25,3% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ 2024. Bán hàng các loại thép đạt hơn 3 triệu tấn – mức cao nhất kể từ đầu năm, với mức tăng trưởng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung cả quý I/2025, sản xuất thép đạt 7,464 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2024; tổng lượng tiêu thụ đạt 7,501 triệu tấn, tăng 12,2%. Kết quả này có được trong bối cảnh giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than mỡ luyện cốc... đồng loạt giảm so với cùng kỳ, giúp giảm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Cụ thể, thị trường nguyên liệu đầu vào cho ngành thép có xu hướng ổn định và thuận lợi. Giá quặng sắt loại 62% Fe trong tháng 3/2025 ở mức 102,4 USD/tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Than mỡ luyện cốc – nguyên liệu quan trọng cho sản xuất thép lò cao giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ 2024.

Sự giảm giá này giúp doanh nghiệp nội địa tiết giảm chi phí đầu vào, giữ được biên lợi nhuận tốt hơn trong bối cảnh cạnh tranh. Đáng chú ý, giá cuộn cán nóng HRC – một sản phẩm then chốt đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 3, cho thấy tín hiệu phục hồi nhu cầu ở một số phân khúc.

Đáng chú ý, giá thép xây dựng trên thị trường nội địa đã có xu hướng nhích nhẹ trong tháng 4, dao động quanh mức 13,6 – 14 triệu đồng/tấn, tăng 1,4 – 1,9% so với tháng trước. Sự gia tăng này phản ánh nhu cầu thực tế đang hồi phục và niềm tin từ phía nhà thầu, chủ đầu tư.

Tóm lại, thị trường nội địa quý I và đến tháng 4/2025 được đánh giá là trụ đỡ chính cho ngành thép trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu nội địa dài hạn.

Sau một năm 2024 đầy biến động, bước sang quý I/2025, ngành thép Việt Nam chứng kiến sự phân hóa sâu sắc giữa thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong khi nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách kích thích đầu tư công và giá nguyên liệu giảm, thì hoạt động xuất khẩu lại suy giảm nghiêm trọng bởi tác động từ các rào cản thương mại gia tăng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho toàn ngành trong việc duy trì sản xuất, tối ưu hóa lợi nhuận và xác lập chiến lược phát triển bền vững trong trung và dài hạn.

Kim ngạch xuất khẩu thép quý I/2025 đạt 1,414 triệu tấn, giảm mạnh tới 37,2% so với cùng kỳ năm 2024. Thị trường Mỹ và EU lần lượt siết chặt kiểm soát thông qua mở rộng Đạo luật 232 và các chính sách phòng vệ thương mại mới từ tháng 4/2025. Ấn Độ cũng đang xây dựng hàng rào kỹ thuật mới cho sản phẩm thép nhập khẩu. Những rào cản này tác động nặng nề tới các dòng sản phẩm chủ lực như HRC, tôn mạ, ống thép vốn chiếm phần lớn sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, giá xuất khẩu cũng giảm do nhu cầu yếu từ Trung Quốc, EU và Mỹ, trong khi cạnh tranh với các nhà sản xuất lớn như Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc ngày càng gay gắt. Điều này khiến hoạt động xuất khẩu không chỉ gặp khó về lượng mà còn tổn thất về giá trị, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) nhận định, đối với các doanh nghiệp thép dẹt và tôn mạ, thị trường xuất khẩu năm 2025 không còn thuận lợi do tác động từ các chính sách thương mại và thuế quan mới, các nước đối tác tăng cường chính sách bảo hộ hàng hóa nội địa.

Trong nước, thêm nhiều nhà máy thép dẹt mới đi vào hoạt động dẫn đến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đối với các doanh nghiệp thép xây dựng, nhu cầu tiêu thụ thép phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Năm 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản, xu hướng và tốc độ phục hồi của thị trường sẽ dần thực sự rõ nét từ nửa cuối năm 2025 trở đi.

Thách thức quốc tế

Động lực chính thúc đẩy tiêu thụ nội địa là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành xây dựng và hạ tầng, với vai trò trung tâm là giải ngân đầu tư công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2025 đạt khoảng 17,6% kế hoạch năm – mức cao hơn 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2024. Những dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường vành đai Hà Nội, TP.HCM, hay sân bay Long Thành đang được thi công gấp rút, đẩy nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng lên cao.

Ngành thép Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong khi thị trường nội địa trở thành điểm sáng nhờ sự dẫn dắt của đầu tư công, thì xuất khẩu lại đối mặt với “làn sóng bảo hộ” ngày càng gay gắt. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, không chỉ để tồn tại mà còn vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng phức tạp.

Hành trình tái cấu trúc, xanh hóa sản xuất và mở rộng thị trường đang trở thành yêu cầu bắt buộc nếu ngành thép Việt muốn phát triển bền vững và khẳng định vị thế khu vực trong những năm tới. Trước áp lực suy giảm xuất khẩu và cạnh tranh nội địa gia tăng, nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược sản xuất – tiêu thụ, đầu tư công nghệ và chuyển dịch thị trường nhằm nâng cao sức chống chịu và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Tập đoàn Hòa Phát đã tăng tỷ trọng tiêu thụ nội địa, tập trung phục vụ các dự án hạ tầng lớn tại miền Bắc và miền Trung cũng như phát triển sản phẩm thép chất lượng cao như thép dự ứng lực, thép thanh chịu lực, thép cuộn rút dây – nhằm phục vụ công nghiệp chế tạo và xuất khẩu sang thị trường có tiêu chuẩn cao.

Cùng với đó đẩy nhanh tiến độ dự án Khu liên hợp Dung Quất 2 theo hướng hiện đại hóa, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, chuẩn bị cho xu hướng CBAM của EU và các thị trường phát triển.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhận định, năm 2025, tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt là những biến động về địa chính trị của các siêu cường trên thế giới, xu hướng bảo hộ gia tăng.

Hòa Phát luôn cố gắng duy trì tỷ trọng xuất khẩu khoảng 20%. Thực tế có giai đoạn như 2024 khi thị trường trong nước khó khăn thì tỷ trọng xuất khẩu đã lên tới 31% - cao nhất từ trước tới nay. Theo ông Long, đây chỉ là giải pháp tức thời còn về nguyên tắc cố gắng duy trì tỷ trọng bán hàng ở ngưỡng 20%

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, các doanh nghiệp thép Việt Nam đang bước vào giai đoạn "chuyển mình" chiến lược, không chỉ để ứng phó trước khó khăn ngắn hạn mà còn chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới với yêu cầu cao hơn về công nghệ, môi trường và tính linh hoạt. Tái cấu trúc mô hình kinh doanh từ sản phẩm, thị trường đến quản trị sẽ là “phép thử sống còn” để xác lập lại vị thế ngành thép Việt trong giai đoạn tới.

Ngành vật liệu xây dựng thích ứng để bứt phá

Ngành vật liệu xây dựng thích ứng để bứt phá

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội bổ sung 49 trạm xe đạp công cộng

Hà Nội bổ sung 49 trạm xe đạp công cộng

09 May, 04:27 PM

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam bổ sung thêm 49 trạm xe đạp công cộng trên địa bàn, nâng tổng số trạm khai thác lên 140.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ