Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ngành vật liệu xây dựng thích ứng để bứt phá

Kinhtedothi - Năm 2025 mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các DN vật liệu xây dựng khi bối cảnh kinh tế toàn cầu dần ổn định, nhưng đồng thời tiềm ẩn nhiều biến động từ chính sách thương mại quốc tế.

Những hướng đi mới

Trước áp lực từ thuế đối ứng của Mỹ và sự cạnh tranh gay gắt từ hàng giá rẻ Trung Quốc, các DN Việt đang chủ động chuyển hướng sang thị trường nội địa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư phát triển sản phẩm “xanh” và nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm củng cố vị thế và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.

Khách hàng xem các sản phẩm rèm tại triển lãm Vietbuild. Ảnh: Thành Luân

Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kim khí TP Hồ Chí Minh – VNSteel Lê Văn Quang cho biết, 2025 là năm có nhiều điểm nhấn đáng chú ý với bối cảnh quốc tế dần ổn định. Dự báo cho thấy GDP thế giới có thể tăng 3,2%, thương mại phục hồi, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề thuế đối ứng sẽ tạo ra nhiều thách thức mới.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với nhôm, thép nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc áp thuế này có thể dẫn đến hiệu ứng lan truyền khi nhiều quốc gia khác cũng siết chặt hàng rào kỹ thuật, khiến thép Việt Nam đối mặt với rào cản xuất khẩu. Mỹ đã tạm hoãn thực thi chính sách thuế trong 90 ngày để đàm phán, nhưng nếu được triển khai, rủi ro hàng tồn kho tăng cao và thép quay lại thị trường nội địa là hiện hữu, gây áp lực dư thừa cung cho toàn ngành.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục là nỗi lo lớn nhất của ngành thép Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có động thái phòng vệ bằng cách áp thuế chống bán phá giá lên đến 274% với thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, tuy nhiên mức độ cạnh tranh vẫn gay gắt. Giá thép rẻ từ Trung Quốc không chỉ gây áp lực về giá bán mà còn ảnh hưởng đến khả năng giữ thị phần của các DN nội địa.

Lãnh đạo Công ty CP Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh – VNSteel nhìn nhận, tiêu thụ nội địa sẽ là hướng đi tất yếu khi xuất khẩu đang đối mặt với rủi ro lớn. Một điểm sáng trong năm nay là việc Chính phủ Việt Nam thúc đẩy giải ngân đầu tư công với tốc độ nhanh. Hàng loạt dự án giao thông lớn được khởi công từ cuối năm 2024 sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến các ngành sản xuất, trong đó có ngành thép. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại cũng được nhìn nhận rõ ràng. Trong nước, cung vẫn vượt cầu, các đại lý thương mại hoạt động chưa hiệu quả và tâm lý dè dặt vẫn hiện hữu. Ngân hàng xếp ngành thép vào nhóm có rủi ro cao nên hạn chế cấp tín dụng. Nhiều nhà thầu xây dựng đang gặp khó khăn do thiếu việc làm, chi phí cố định lớn, không tiếp cận được vốn rẻ. Mảng dịch vụ cho thuê kho bãi cũng gặp áp lực khi DN sản xuất thu hẹp quy mô, trả mặt bằng hoặc chuyển sang mô hình thuê linh hoạt. Về công nghệ luyện thép, một số nhà đầu tư Việt Nam đang dần chuyển sang sử dụng công nghệ lò cảm ứng thay vì lò cao truyền thống do chi phí đầu tư thấp hơn, thời gian khấu hao nhanh và phù hợp với quy mô vốn của DN trong nước.

"Trước những vấn đề nêu trên, công ty đã đưa ra các giải pháp bán hàng tồn kho, chuyển hướng kinh doanh các mặt hàng ít rủi ro như phôi thép, thép phế; đồng thời siết chặt công nợ, tối ưu tồn kho và nâng cao năng suất" - ông Lê Văn Quang chia sẻ.

Với Công ty CP Vicostone, dù DN có thể thích ứng, nhưng biên lợi nhuận chắc chắn bị thu hẹp. Do đó, đại diện DN này cho biết, nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ, kiểm soát chi phí và tối ưu vận hành là yếu tố then chốt để vượt qua giai đoạn khó khăn và duy trì hiệu quả bền vững. Hiện Vicostone vẫn duy trì chiến lược sản phẩm chất lượng cao, với mức giá gần gấp đôi so với đối thủ. Mục tiêu của DN này không phải là giữ bằng được thị phần tuyệt đối, mà là bảo đảm hiệu quả kinh doanh và biên lợi nhuận hợp lý. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thị phần quan trọng nhưng không phải yếu tố sống còn nên công ty này tập trung vào hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, DN đang có nhiều kế hoạch phát triển các sản phẩm mới, tập trung vào các sản phẩm xanh, không gây ảnh hưởng đến môi trường, chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Sẵn sàng thích nghi

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam là cơ hội để xem lại vấn đề tổ chức lại của các DN. Với thị trường bên ngoài cần minh bạch tất cả thông tin là vô cùng quan trọng. Khi tham gia “sân chơi” lớn toàn cầu, tất cả quy định, tiêu chuẩn, điều kiện luôn biến động thì DN Việt Nam phải chủ động trong “cuộc chơi” cũng như tuân thủ mọi quy tắc, luật chơi. "Tức là, DN phải tái cấu trúc, thay đổi để phù hợp với thị trường thế giới. Việc tái tổ chức DN theo thông lệ quốc tế sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng minh bạch, giữ vững vị thế trên trường quốc tế" - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, chiến lược ưu tiên của DN ngành vật liệu xây dựng giai đoạn 2024 - 2025 đã cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt, thể hiện khả năng thích nghi linh hoạt với bối cảnh kinh tế - xã hội biến động mạnh tại Việt Nam. Nổi bật nhất là sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư công nghệ, với tỷ lệ DN lựa chọn chiến lược này tăng từ 53,8% năm 2024 lên 84,6% năm 2025. Xu hướng này phản ánh nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò cốt lõi của số hóa và tự động hóa trong việc tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững. Khảo sát cũng chỉ ra rằng 92,9% DN vật liệu xây dựng tiếp tục gia tăng mức độ đầu tư vào công nghệ so với năm 2024 và điều này không chỉ dừng ở kế hoạch mà đã được hiện thực hóa thông qua mức độ ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh của các DN.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Các tín hiệu phục hồi cũng bắt đầu xuất hiện từ thị trường bất động sản nhờ hàng loạt bộ luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025. Trong quý I vừa qua, các nhà sản xuất và DN thương mại thép đều ghi nhận sản lượng tiêu thụ tăng so với cùng kỳ, báo hiệu chu kỳ phục hồi dần rõ nét.
Ông Lê Văn Quang - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kim khí TP Hồ Chí Minh - VNSteel

Năm 2025 ghi nhận sự gia tăng về mức độ ứng dụng trên tất cả các công nghệ. Trong đó, dữ liệu lớn (Big Data) tiếp tục dẫn đầu với mức độ ứng dụng cao nhất, tăng từ 3,44 lên 3,55. Sự gia tăng này cho thấy các DN vật liệu xây dựng đang đẩy mạnh khai thác Big Data để phân tích và dự báo xu hướng thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả quản lý vận hành. Từ đó hỗ trợ việc DN ra quyết định chiến lược, giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR/AR) cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 2,14 lên 2,82, thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Bên cạnh chiến lược công nghệ, hai chiến lược nhận được sự lựa chọn từ đông đảo các DN vật liệu xây dựng bao gồm: “chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu và hoạt động marketing”, cùng với “nâng cao trách nhiệm xã hội (CSR) thông qua thúc đẩy phát triển bền vững, nghiên cứu sản phẩm xanh và giảm phát thải”. Đặc biệt, các DN hướng đến nhóm khách hàng Gen Z, thế hệ ưu tiên không gian sống cá nhân hóa và đề cao tính thẩm mỹ, tiện nghi nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Để đạt được mục tiêu này, các DN đang đẩy mạnh hợp tác với các kiến trúc sư và phát triển các kênh phân phối hiện đại như showroom, qua đó không chỉ tăng cường sự hiện diện thương hiệu mà còn tạo điều kiện để khách hàng trải nghiệm trực tiếp sản phẩm, góp phần nâng cao sự hài lòng và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Những chiến lược này không chỉ định hình cách các DN vật liệu xây dựng vận hành mà còn đặt nền tảng cho cách họ thể hiện mình trên các kênh truyền thông, từ việc ứng dụng công nghệ đến việc khẳng định giá trị bền vững.

Hà Nội sẽ xây dựng đề án tổng thể về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính

Hà Nội sẽ xây dựng đề án tổng thể về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy đô thị hoá: cần sự chung tay giữa chính quyền và doanh nghiệp

Thúc đẩy đô thị hoá: cần sự chung tay giữa chính quyền và doanh nghiệp

18 Apr, 02:37 PM

Kinhtedothi-Đô thị hóa là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, khi pháp luật thay đổi mà thiếu cơ chế chuyển tiếp phù hợp, doanh nghiệp dễ rơi vào thế khó. Từ kinh nghiệm tháo gỡ của Đà Nẵng đến vướng mắc tại Quảng Ngãi cho thấy: muốn đô thị hóa bền vững, cần sự chung tay giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ