Cần tạo “bệ phóng” để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kinhtedothi - Thời gian vừa qua ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, thế nhưng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), từ đó tạo “bệ phóng” cho kinh tế du lịch phát triển.
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam liên tục gặt hái thành công và được báo chí quốc tế đánh giá là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á và châu Á. Nhiều tạp chí danh tiếng thế giới như Travel + Leisure, Condé Nast Traveler, National Geographic… đã bình chọn Việt Nam là một trong những điểm đến không thể bỏ qua bởi sự đa dạng về cảnh quan, nét văn hóa truyền thống và nền ẩm thực đặc sắc.
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Nga, Malaisia, Philippin, Singapo, Thái Lan... Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2025 đạt 518.000 tỷ đồng.

Du khách quốc tế tham quan Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới cho thấy, hiện Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế (+30%) và đứng thứ 2 về tốc độ phục hồi so với trước đại dịch (+34%). Những con số thống kê là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ, vượt bậc của du lịch Việt Nam giữa bối cảnh châu Á vẫn đang từng bước hồi phục sau đại dịch.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu cho biết, có được kết quả trên trước hết là nhờ tác động từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử thông thoáng. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại châu Âu như: Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan... đã giúp tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế trọng điểm.
Đồng tình với phân tích này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, thời gian qua ngành du lịch và các dịch vụ liên quan đã đẩy mạnh nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế nên đã thu hút một lượng lớn du khách quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến.

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu. Ảnh: Hoài Nam
“Trong 6 tháng đầu năm 2025, đã có đến 9,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không. Kết quả này cho thấy hạ tầng hàng không đang đáp ứng tốt nhu cầu mở rộng không gian du lịch, phản ánh sự hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt du khách toàn cầu. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương đang tích cực liên kết xây dựng tour mới theo hướng phát triển du lịch chất lượng cao như: nghỉ dưỡng, MICE, du lịch golf...” - bà Cao Thị Ngọc Lan nêu ví dụ.
Gỡ khó cho doanh nghiệp trong thu hút khách
Phát huy những thành công trong hoạt động thu hút du khách quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 382/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, ngành du lịch Việt Nam đến năm 2030 thu hút 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt 2.630 nghìn tỷ đồng, qua đó đóng góp từ 13-14% GDP quốc gia vào năm 2030.
Theo các chuyên gia du lịch để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh văn hóa, thiên nhiên, lịch sử… từ đó nâng cấp, xây dựng tour mới, cơ sở hạ tầng. Phản ánh những khó khăn, bất cập trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, thời gian qua hoạt động thu hút đầu tư trong ngành du lịch vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là bởi thiếu chiến lược thu hút, chưa tạo thuận lợi cho các đơn vị đầu tư, chưa có chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư tại các vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng du lịch.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy chia sẻ, công tác quản lý Nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là với các loại hình du lịch mới. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan phát triển du lịch còn rườm rà. Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa nhà trường và DN trong đào tạo nhân lực du lịch còn hạn chế; hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam dù khá đa dạng, nhưng chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa cao, chưa tạo dựng được thương hiệu đẳng cấp, khả năng cạnh tranh đột phá…
Hiến kế để ngành du lịch gỡ khó cho DN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới cơ quan quản lý cần xóa bỏ rào cản về thể chế, chính sách, khung pháp lý. Cụ thể, tạo thuận lợi về thuế, đất đai, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, quy hoạch... từ đó thu hút DN trong nước, quốc tế đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là ở những vùng còn khó khăn.
“Năm 2013, Tập đoàn Sun Group đã đầu tư 4.400 tỷ đồng xây dựng Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan – Sapa. Thông qua dự án này, thị trấn Sapa (Lào Cai) đã trở thành điểm đến của du khách trong nước, quốc tế. Năm 2013, Sapa mới chỉ đón 720.000 lượt khách, doanh thu 576 tỉ đồng, sau khi dự án cáp treo đi vào hoạt động du lịch Sapa đã đón một lượng lớn du khách. Năm 2024, du lịch Sapa đã đón 4,6 triệu lượt du khách. Dự kiến trong năm 2025, Sapa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách du lịch. Kết quả này cho thấy những lợi ích mà DN đầu tư hạ tầng mang lại cho ngành du lịch” - ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ví dụ.

Đề xuất cách thức hỗ trợ DN lữ hành thu hút khách, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, thời gian tới cơ quan quản lý nên tối ưu hóa chính sách visa, tăng tần suất và mở thêm các đường bay thẳng đến các thành phố lớn tại Úc, Mỹ, Đông Âu. Bên cạnh đó, địa phương kết hợp với các bộ, ngành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện cho DN phát triển hạ tầng khu du lịch quy mô lớn, đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.
Nhằm hỗ trợ ngành du lịch đầu tư, hút khách tại Kế hoạch thực hiện quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, thời gian tới sẽ huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước (ngân sách Nhà nước, ODA, quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch) và khu vực ngoài Nhà nước (vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Đồng thời, có cơ chế phù hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch. Ngoài ra, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, hạ tầng kết nối và dịch vụ du lịch.

Du lịch Việt Nam vào Top 5 điểm đến hè 2025 của du khách châu Âu
Kinhtedothi - Nền tảng du lịch trực tuyến Agoda vừa công bố báo cáo “Xu hướng du lịch mùa Hè từ châu Âu đến châu Á”, trong đó công bố danh sách 5 điểm đến châu Á được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất trong mùa cao điểm hè 2025.

Du lịch Việt Nam tìm lời giải “bài toán” thu hút khách Âu – Mỹ
Kinhtedothi - Du lịch Việt Nam đang dần hồi phục khi đón được lượng khách quốc tế tăng mạnh. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam chủ yếu thu hút du khách “bình dân” đến từ châu Á, nhất là Trung Quốc. Trong khi việc hút tệp khách quốc tế cao cấp đến từ thị trường Châu Âu, Mỹ còn khá khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có.

Du lịch Việt Nam giảm giá đến 50% dịch vụ để hút khách quốc tế
Kinhtedothi - Nhằm thu hút khách quốc tế nhất là các quốc gia Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ... Bộ VHTT&DL vừa công bố chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với chủ đề "Việt Nam - đi để yêu".