Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Cần tập trung vào nguồn nhân lực có chất lượng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì đưa nhiều người lao động (NLĐ) trình độ phổ thông ra nước ngoài làm công việc giản đơn, Nhà nước tăng dần tỷ lệ kỹ sư, chuyên gia.

Nhà nước cũng cần có chương trình mục tiêu quốc gia đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để nâng chất lượng nhân lực phục vụ CNH - HĐH đất nước.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đang ứng tuyển vào các công ty có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đang ứng tuyển vào các công ty có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

90% số người lao động chưa qua đào tạo

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác đưa NLĐ và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm, mỗi năm mang về Việt Nam khoảng 3 tỷ đô la.

Từ năm 2013 đến 2021, các địa phương đưa được gần 1 triệu NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước đã cải thiện đời sống bản thân và gia đình, tăng tích lũy và góp phần đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, đa số NLĐ trong nước ra nước ngoài chủ yếu làm công việc giản đơn. Ông Nguyễn Xuân Lanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (TP Hồ Chí Minh) - DN có hơn 10 năm đào tạo đưa hơn 12.000 NLĐ đi làm việc ở Nhật Bản chia sẻ: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, những NLĐ là kỹ sư, lao động bậc cao, chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều, không quá 10%; và 90% NLĐ còn lại chưa qua đào tạo; tay nghề và năng lực tiếp nhận kỹ thuật cao ở những nước phát triển của họ rất hạn chế.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Lương Trào đề nghị xoay chuyển mục tiêu đưa NLĐ và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, trước đây chủ yếu là tăng thu nhập, cải thiện kiến thức. Nhưng bây giờ, mục đích lớn quan trọng nhất là tiếp thu kiến thức quản lý, trau dồi kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc… để chuẩn bị cho tương lai phát triển nghề nghiệp của họ sau khi trở về. Nếu chúng ta làm được việc này thì tâm thế của NLĐ và đích đến của xuất khẩu lao động Việt Nam sẽ khác; và họ sẽ không còn tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi hết thời hạn làm việc.

“Chính sách của Nhà nước trong nhiều năm qua, mới chỉ tập trung hỗ trợ NLĐ nghèo bằng tạo điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Chúng ta chưa quan tâm đến sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có khả năng học tập, tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ và tư duy quản lý, để đào tạo và đưa ra nước ngoài làm việc rồi trở về phục vụ phát triển đất nước” - ông Nguyễn Xuân Lanh nhận định.

Cũng trao đổi về chủ đề đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, một đại diện Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh đã có nhìn nhận hoạt động này từ góc độ địa phương và các tỉnh khác: Hiện nay chương trình việc làm được nhập vào chương trình giảm nghèo; mà trong Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chỉ hỗ trợ cho NLĐ thuộc địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Phần còn lại khoảng 80 - 90% lực lượng lao động nằm ở địa bàn xã khác thì không có chính sách. Trong khi chúng ta hướng tới lao động chất lượng cao, lao động là học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc sau đó quay trở về phát triển kinh tế.

Từ năm 2013 - 2021, các địa phương đưa được gần 1 triệu NLĐ đi làm việc ở nước ngoài
Từ năm 2013 - 2021, các địa phương đưa được gần 1 triệu NLĐ đi làm việc ở nước ngoài

Xây dựng đề án, chương trình mục tiêu chiến lược quốc gia

Ghi nhận của phóng viên tại các phiên giao dịch việc làm dành cho NLĐ EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, cho thấy, không ít NLĐ làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc về nước rất khó tìm được công việc đã làm với mức lương cao. Họ rất khó đảm đương được vị trí quản lý, phiên dịch trong các công ty có vốn đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đại diện một DN Hàn Quốc có trụ sở ở tỉnh Phú Thọ, trực tiếp tuyển dụng NLĐ đã từng đi làm việc ở nước ngoài, nhận xét: Khả năng tiếng Hàn của họ chỉ ở mức trung bình khá; kinh nghiệm làm việc lại không liên quan tới ngành nghề công ty đang tuyển. Khả năng biên dịch và kỹ năng sử dụng máy tính của họ kém, chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu của DN.

“Tỷ lệ sinh giảm trong những năm qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Vì vậy, trong những năm tới, việc ưu tiên đưa số lượng lớn NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không còn phù hợp mà cần tập trung hơn vào chất lượng” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho hay.

Các chuyên gia lao động cũng đồng tình với việc nên đưa nhiều hơn những người đã qua đào tạo ra nước ngoài làm việc, thay vì tập trung vào đối tượng không có kỹ năng tay nghề. Một nội dung nữa cũng được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và DN đề xuất đó là cần có đề án, chương trình mục tiêu chiến lược quốc gia để đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc với định hướng mới tập trung vào lao động chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Công ty TNHH Esuhai có 7 kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước. Trong đó, Nhà nước nên xem xét và định vị rõ hơn về hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Cụ thể, là thực hiện lộ trình tăng NLĐ là kỹ sư, chuyên gia đã qua đào tạo từ 10% lên 20%, 30% và giảm dần tỷ lệ NLĐ chưa qua đào tạo ra nước ngoài làm công việc giản đơn.

Nhà nước nên chọn những ngành nghề mà Việt Nam đang dần phát triển thành mũi nhọn, rồi đưa NLĐ đến các quốc gia có những kỹ thuật công nghệ cao để làm việc và học hỏi. Chính phủ cũng nên có những chính sách thu hút đầu tư với những quốc gia có quan hệ sâu rộng với Việt Nam, đặc biệt là các nước có kỹ thuật công nghệ cao để khai thác nguồn nhân lực khi họ về nước.

Một kiến nghị nữa cũng được các chuyên gia lao động, nhà quản lý đề cập, đó là Nhà nước nên xem xét hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là một giai đoạn trong quá trình đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Qua đó đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Muốn vậy, hàng năm, chúng ta nên phân luồng một tỷ lệ nhất định số sinh viên tốt nghiệp đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo năng lực ngoại ngữ, chuyên môn. Có như vậy, bài toán đưa NLĐ đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài mới được giải, góp phần phát triển đất nước và tạo việc làm khi trở về với nguồn thu nhập tốt.

 

Ngay từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước, hoạt động đưa NLĐ và chuyên gia ra nước ngoài làm việc đã được Đảng, Chính phủ, cơ quan đoàn thể T.Ư xác định là một trong những hoạt động kinh tế mũi nhọn. Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho NLĐ ở trong nước cũng như hợp tác quốc tế và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia.

8 tháng đầu năm 2022, số lao động Việt Nam ở nước ngoài đạt 81.000/90.000 người; trong đó hai thị trường có số lượng NLĐ đi làm việc nhiều là Nhật Bản 40.000 người, Đài Loan khoảng 30.000 người; ngoài ra là các thị trường Hàn Quốc và châu Âu, Hà Lan, Hungary. Điều này thể hiện đường lối, sự quan tâm của Đảng, chính phủ, cơ quan ban ngành, đoàn thể đối với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH Tống Hải Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần