Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn thận ''dính bẫy'' cây cảnh gắn keo vào dịp cận Tết

Lan Anh/Tieudung.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những cây bưởi lúc lỉu đung đưa quả vàng óng, rất có thể nhiều quả trong số đó được gắn keo. Những cây sung quả kín cây, rất có thể là do ''tài năng'' dính quả tinh vi của người bán…

Loạn cây cảnh giả
Thị trường hoa, cây cảnh dịp sát Tết Nguyên đán có lẽ là nhộn nhịp nhất trong năm. Cùng với những người kinh doanh chân chính thì cũng có không ít người sử dụng chiêu trò lừa khách hàng. Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh, thường xuyên xuất hiện những xe bán những "cây táo" chi chít trái nhìn khá đẹp mắt.
Những loại cây lá rất lạ được cắm đầy táo Tây.

Với nhiều người dân TP Hồ Chí Minh, trái táo (loại táo nhập từ các vùng ôn đới nước phương Tây, Trung Quốc...) không lạ vì có thể dễ dàng mua tại các chợ, siêu thị... Nhưng những trái táo còn nguyên trên cây, mà đều là cây còn rất nhỏ nhìn chẳng khác nào những cây táo bonsai thì lại là điều khá lạ. Chính vì lạ nên không ít người đã bỏ tiền ra mua loại "táo lùn siêu trái" này.
Nhưng thực tế là quả táo được gắn lên các loại cây dành dành, dâm bụt, mít... được người bán giới thiệu là giống táo lùn siêu trái, táo bonsai để lừa gạt người mua. Hầu hết, những cây này chỉ cao khoảng 50 - 70cm, nhưng có tới 4 - 8 quả trên cây. Giá bán trung bình 200.000 - 300.000 đồng/cây. Với những cây lớn hơn, có thể lên đến 400.000 - 500.000 đồng/cây.
Người bán đã dùng thủ thuật gắn những trái táo lên một số loại cây như dành dành, dâm bụt, mít... Nó khiến những người chưa một lần thấy cây táo rất khó phân biệt. Một đặc điểm rất dễ nhận biết những trái táo được gắn lên các loại cây khác là trái thường khá thấp, gần với gốc cây, trái tì xuống đất tránh bị rụng. Những trái gắn cao hơn thường là phải có phần cành đỡ. Dù vậy, người mua chỉ cần đưa về đến nhà là trái sẽ rụng dần.
Theo khảo sát, thị trường Hà Nội, loại cây cảnh giả đã xuất hiện khá lâu, năm nào cũng có những khách hàng "dính bẫy". Cây cảnh giả sau khi được biến hóa như thật được chở bằng xe máy đi bán dạo với số lượng 4 - 5 cây/chuyến, trong đó, nhiều nhất là cây sung, lộc vừng, mai... có hình dáng đẹp mắt, giá bán rất rẻ.
Có những cây lộc vừng được gắn hoa rất đẹp mặt, kể cả các khóm địa y bám trên thân cây cũng có thể cắt từ cây khác sang đính vào. Cây sung quả trĩu trịt từ gốc tới ngọn cũng có thể là do người bán dùng keo đính vào. Không chỉ thế, các loại hoa quả dễ rụng cuống như bưởi, cam, quýt... cũng được người bán "phù phép" kiểu gắn keo này.
Theo anh Nguyễn Đức Vinh, người trồng bưởi cảnh ở Bắc Giang, đối với những cây cảnh nhiều tiền, cây bưởi hàng chục triệu đồng, việc "phẫu thuật thẩm mỹ" khá tinh xảo, không chỉ cắm tăm gắn keo, người ta tìm những cành có kích thước vừa vặn và dùng biện pháp cấy ghép rồi gắn keo, khiến mắt thường khó phân biệt. Sau khi cấy ghép, cây bưởi sai trĩu quả nhìn rất đẹp mắt, khó phân biệt đâu là quả gắn keo, đâu là quả thật.
Không để gian thương biến mình thành kẻ ngốc
TS Nguyễn Thị Kim Lý - Trung tâm Hoa - Cây cảnh, Viện Di truyền Nông nghiệp, những cây cảnh giả này rất khó phát hiện do được làm tinh vi. Do đó, khi chọn cây, nên lựa chọn những cây xanh về lá, đẹp về quả và đặc biệt là cần có lộc non.
Điều đó minh chứng là cây thật và phát triển mạnh mới được như vậy. Điển hình như người chơi cây táo tàu cảnh ngày tết. Thông thường, quả táo sẽ có cuống quả. Quan sát kỹ, nếu quả nào không có cuống mà vẫn treo trên cây, hẳn quả đó là giả.
Cây sung sai trái được gắn bằng keo 502 hết sức tinh vi người mua khó phát hiện được.

Đối với quả bưởi họ sẽ gắn keo 502 vào cuống quả và có trộn thêm cát hay mùn cưa để tạo sự kết dính. Đó là 1 trong những chiêu lừa đảo ở thị trường hay chợ ngày Tết. Cách tốt nhất khách hàng nên đến trực tiếp đến vườn để lựa chọn, bởi người bán tại vườn uy tín luôn đặt lên hàng đầu.
Ông Vương Xuân Nguyên - Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, càng ngày những chiêu trò làm giả cây cảnh càng trở nên tinh vi. Có những cây mới đánh lên, đã bị cắt hết rễ, hoặc bị chiết non rồi cắt tỉa lại cành rồi cắm vào chậu, chêm nện gốc cho chắc chắn rồi đem bán. Cây mua về chỉ hôm trước hôm sau là héo rũ. Đặc biệt là vào dịp giáp Tết, những cây cảnh giả xuất hiện ngày càng nhiều.
Với cây mai, thương nhân có chiêu làm giả rất tinh vi là dùng vỏ của cây mai to đã bị chết bọc vào cây mai nhỏ còn sống, rồi sơn phết, bọc đất cẩn thận, cắt tỉa trông đẹp mắt để lừa người mua và bán với giá khoảng vài trăm nghìn đến 1 - 2 triệu đồng/cây. Nếu không quan sát kỹ, người mua rất dễ bị lừa. Ở những loại keo đính quả, kẻ gian sử dụng màu keo giống như màu nhựa cây, nên nhiều khi chính những chuyên gia cây cảnh cũng bị lừa.
"Những gốc mai to tương đương những cây mai của người bán dạo, người trồng phải mất 5 - 6 năm chăm sóc, giá bán ra cũng khoảng 4 - 6 triệu đồng/cây. Gốc mai càng lớn thì cành cũng lớn tương đương, nếu có cắt tỉa tỉ mỉ thì vẫn có những mấu nhô ra khỏi thân cây. Nếu thân cây to mà cành được cắm vào theo kiểu "đầu voi đuôi chuột" thì ắt hẳn là mai rởm. Mai thật bao giờ cũng có rễ nổi lên mọc lan gần gốc cây, mai giả thì ngược lại", ông Vương Xuân Nguyên chia sẻ.
Theo các chuyên gia, người mua cây cảnh cần phải hiểu biết cơ bản về các loại cây cảnh để nhìn nhận một cách chính xác. Thông thường, mỗi loại cây có những đặc điểm nhận biết riêng về hình thái, những cây bất thường có quá nhiều quả hay hoa, gốc quá to mà cành lại nhỏ, thân vỏ xù xì kiểu nhân tạo... thì phải cảnh giác, xem xét kỹ trước khi mua. Tốt nhất là mua của những nhà vườn, cửa hàng có địa chỉ uy tín thay vì mua ở các xe hàng rong.