Ưu tiên hàng nội
Dạo quanh qua các chợ lớn như Đồng Xuân, Hàng Da, hay tại các cửa hàng bán bánh kẹo ở Hàng Giầy, Hàng Buồm, Ngô Sỹ Liên (Hà Nội)... hàng Tết được bày bán tràn ngập, nhất là tại các gian hàng thực phẩm khô, bánh kẹo. Phổ biến là các loại mứt truyền thống như mứt bí, dừa, hạt sen, cà chua, mơ, đào, cà rốt.
Bánh, mứt bày bán tại chợ Đồng Xuân.Ảnh: Thanh Hải
Một số loại mứt mang hương vị phương Nam như mứt me Đà Lạt, mứt hồng đỏ... cũng dần trở nên quen thuộc ở thị trường Hà Nội. Theo các tiểu thương tại một số chợ, năm nay giá cả các mặt hàng có tăng hơn so với năm ngoái từ 10 - 20%. "Năm ngoái, hạt dẻ cười có giá 180.000 đồng/kg, năm nay lên tới 250.000 đồng/kg. Hạt bí tăng từ 120.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg. Nho khô giờ đã lên 120.000 đồng/kg, mứt gừng là 130.000 đồng/kg. Năm nay người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm trong nước là chủ yếu. Theo ghi nhận tại các siêu thị Big C, FiviMart, Intimex, các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, Vinabico, Tân Tân, Orion... năm nay chiếm từ 80 - 90% thị trường bánh kẹo Tết. Theo một số chủ cửa hàng, hiện giờ chưa phải là thời điểm mua hàng của người tiêu dùng, phải đến những ngày cận Tết sức tiêu thụ mới lớn.
Cẩn thận với bánh kẹo không rõ nguồn gốc
Chuẩn bị cho thị trường Tết, từ trong năm, các công ty bánh mứt kẹo lớn đã tập trung đầu tư để nâng cấp dây chuyền sản xuất. Công ty CP Kinh Đô dự kiến đưa ra thị trường Tết năm nay hơn 3.800 tấn bánh kẹo các loại, Công ty Bibica cũng có kế hoạch đưa ra thị trường khoảng 1.200 tấn bánh kẹo…
Tuy nhiên, bên cạnh những loại bánh kẹo được đóng gói sẵn, có thương hiệu, nơi sản xuất, thì tại các chợ vẫn nhiều các loại bánh, kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng với đầy đủ các loại, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt được đựng la liệt trong những hộp các-tông, rổ, túi hoặc bao lớn, để khách hàng lựa chọn. Cụ thể như các loại bánh quy, bánh sữa kem không có nhãn phụ, không ghi ngày sử dụng giá chỉ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, các loại kẹo dẻo, bắp dẻo, rau câu có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, kẹo đậu phộng, kẹo me được chào giá cao hơn, từ 60.000 - 80.000 đồng/kg…
Khi được hỏi xuất xứ các loại bánh kẹo này, hầu hết người bán hàng cho rằng, kẹo được sản xuất tại các cơ sở trong nước, một số nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan vì không mất chi phí bao bì, đóng gói nên có… giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều nhãn bánh mứt toàn tiếng Trung Quốc không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi thông tin cần biết về sản phẩm. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, người tiêu dùng không thể biết được loại kẹo, bánh mình mua về được làm như thế nào, có sử dụng chất bảo quản gì không. Do đó, khi mua sản phẩm, người tiêu dùng hãy chọn sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín. Không nên vì giá rẻ hay chuộng "mác" ngoại mà mua bánh kẹo ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.