Là một trong những doanh nghiệp điển hình tham gia hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Tổng công ty May 10 đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể, đưa ra những giải pháp phù hợp với định hướng rõ ràng để tuyên truyền làm thay đổi nhận thực của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng Việt.
Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thanh Huyền cho hay, từ lâu May 10 đã ưu tiên sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất, kể cả khi mua bên ngoài giá của họ 8 đồng còn của các công ty của Việt Nam là 10 đồng thì May 10 vẫn chọn mua nguyên liệu của DN Việt.
Tổng công ty May 10 bám sát vào tư duy “dìu nhau lên” chứ không phải có lợi mới làm. Tư duy “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” cũng là tư duy sống còn của nền kinh tế.
Tổng công ty cũng mở rộng chương trình theo hướng không phải chỉ là dùng hàng Việt Nam mà là dùng các sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Rất nhiều thương hiệu thời trang để thu hút nười tiêu dùng đã đặt tên nước ngoài. Nếu yêu thương người Việt cần đặt tên thuần Việt. Có những sản phẩm với tên gọi thuần Việt mang tính toàn cầu thì người tiêu dùng mới biết nhiều hơn đến các sản phẩm của Việt Nam.
Các DN Việt cũng cần tạo ra điểm nhấn đối với người tiêu dùng. Đó là các sản phẩm khi nói đến người ta sẽ nhận biết ngay đó là sản phẩm của người Việt Nam chứ không phải chỉ là một cái tên nước ngoài. Đây là điều rất quan trọng
Chúng ta cũng mới chỉ nhắc đến cụm từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên chúng ta chưa nhắc đến khẩu hiệu “Người Việt Nam hãy hợp tác với người Việt Nam”, “Người Việt Nam hãy coi trọng người Việt Nam”, bởi người Việt Nam luôn có đức tính đáng quý, đó là lòng tự tôn dân tộc.
Cùng theo bà Nguyễn Thanh Huyền, May 10 đang thực hiện theo khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Khẩu hiệu này không phải bây giờ May 10 mới điều chỉnh. Trong 10 năm qua, May 10 đã ý thức được câu chuyện này.
Nếu không dùng hàng Việt Nam, một ngày nào đó trên tất cả siêu thị, đường phố, người tiêu dùng nội địa phải phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là kịch bản xấu nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Vì thế nếu yêu doanh nghiệp Việt Nam, yêu thương hiệu Việt Nam, chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ, bằng cách sử dụng sản phẩm Việt Nam. Nếu sản phẩm đó tốt thì chúng ta quảng bá, nếu chưa tốt thì cần đóng góp để sản phẩm được tốt hơn.
Trong 9 tháng qua mặc dù điều kiện kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, tổng doanh thu của toàn Tổng công ty May 10 trong 9 tháng qua đạt 2.288 tỷ đồng, đạt 118,6% so với cùng kỳ 2014.
Cụ thể, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của Tổng công ty trong 9 tháng qua đạt 2.263 tỷ đồng, đạt 118,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu khác đạt 25 tỷ đồng, đạt 130,2% so với năm 2014.
Với doanh thu như trên, lợi nhuận của toàn Tổng công ty trong 9 tháng qua đạt 53 tỷ đồng, đạt 135,2% so với cùng kỳ 2014. Tổng công ty đã nộp ngân sách 43,879 tỷ đồng. May 10 đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10%-15% trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.
Bà Nguyễn Thanh Huyền phân tích, một thực tế đang diễn ra hiện nay, trong khi người tiêu dùng Việt vẫn có xu hướng “sính hàng ngoại” thì một số “ông lớn” của thời trang thế giới đang đặt hàng tại Việt Nam. Ví dụ như chiếc caravat mà hãng Hugo Boss (Đức) đang bán với giá 250USD hiện được sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may cà vạt DK Sài Gòn.
Vấn đề ở đây là tại sao các DN lớn trong ngành của thế giới còn tìm đến DN Việt Nam để đặt hàng, trong khi người tiêu dùng Việt lại không thật sự tin tưởng vào DN Việt? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thật sự tin tưởng và ủng hộ thì bản thân các DN phải nói thế nào thì làm đúng như thế, tránh làm tổn thương đến người tiêu dùng.
“Đối với các Hiệp định thương mại cách đây 10 năm thì có thể cho là cơ hội với các doanh nghiệp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cơ hội và thách thức là ngang nhau. Được biết, TPP yêu cầu sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam. Đây là cơ hội vì điều kiện mà TPP đưa ra sẽ tạo áp lực cho các DN Việt Nam, khiến các DN của chúng ta phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải tập trung con người, công nghệ, thời gian để tự sản xuất ra sản phẩm của mình. Còn nếu chúng ta không làm được điều này thì TPP sẽ trở thành thách thức.
Thứ hai, khi TPP có hiệu lực thì rất nhiều dòng thuế sẽ được cắt giảm. Đây là sẽ là cái lợi cho chính các DN Việt Nam chứ không phải người tiêu dùng ở Mỹ, các nhà cung cấp Mỹ hay bất kỳ nước nào khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm chủ được DN mình thì chúng ta lại chính là người làm thuê trên sân nhà và lợi ích khi đó sẽ chuyển cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với May 10, Tổng Công ty vẫn không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam để thực hiện các đơn hàng một cách tốt nhất, đón đầu các nhà đầu tư khi TPP có hiệu lực tại Việt Nam”. Bà Nguyễn Thanh Huyền nhấn mạnh.
Bộ phận sản xuất của Tổng công ty May 10.
|