Mừng khi VSTEP được nhắc đến
Nói đến chứng chỉ ngoại ngữ, người ta thường nghĩ đến chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC…, chứ không mấy khi để tâm đến chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam (VSTEP- Vietnamese Standardized Test of English Proficiency).
Tại các trường THCS, THPT, học sinh hầu như chưa biết, không quan tâm hoặc biết rất ít về VSTEP. Nếu có nhu cầu thi chứng chỉ ngoại ngữ từ cấp THPT, các học sinh, giáo viên, phụ huynh đều hướng đến chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Vậy nên, khi VSTEP được nhắc đến trong các kế hoạch/đề án/phương thức tuyển sinh của các đại học đã cho thấy tín hiệu rất mừng khi chứng chỉ nội dần có nhiều cơ hội đến gần hơn với đông đảo học sinh, sinh viên và người dân Việt Nam.
Mới đây nhất, trong Quy chế về đào tạo bậc đại học tại ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã chính thức quy định chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ. Cụ thể, ĐHQGHN sẽ áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam VSTEP với chuẩn đầu ra trình độ tương đương bậc 3, hoặc bậc 4 tùy vào chương trình đào tạo. Thêm vào đó, Quy chế mới cũng quy định học phần ngoại ngữ trong chương trình đào tạo là học phần sinh viên bắt buộc phải học và lấy điểm tích lũy, được tính vào điểm trung bình chung trong kết quả học tập của toàn khóa.
Trước đó, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội đã sử dụng VSTEP để tuyển sinh đầu vào với điều kiện thí sinh phải có chứng chỉ VSTEP do trường ĐH Ngoại ngữ tổ chức riêng với thí sinh đạt trình độ từ B2 trở lên (tương đương bậc 4). Riêng đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh, kết quả bài thi VSTEP phải đạt trình độ từ C1 trở lên (tương đương bậc 5).
Một số trường ĐH/trường ĐH khác như: ĐH Bách khoa Hà Nội, trường Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã hứa sử dụng VSTEP trong tuyển sinh từ 2023; vài trường khác cho biết “sẽ xem xét và cân nhắc việc sử dụng VSTEP”.
“Em rất mừng khi biết thông tin trên. Chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP với chúng em gần gũi, chi phí phù hợp, thi ngay tại trường, các thông tin đều được cập nhật rất rõ ràng. Em sẽ học tốt ngoại ngữ và đăng ký thi VSTEP vào cuối năm 3”- Lưu Hà Phương, sinh viên trường ĐH Luật (ĐHQGHN) vui vẻ cho biết.
Còn với Phạm Như Hương, sinh viên năm hai ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Trước đây em không nghe gì về VSTEP nhưng khi biết thông tin thầy Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nói sẽ xem xét, công nhận VSTEP, em mới tìm hiểu và thấy chứng chỉ này rất hữu dụng. Em dự định sẽ làm việc về lĩnh vực Điện của các Cty trong nước nên thi chứng chỉ VSTEP là hợp lý”.
Cần thời gian cho VSTEP
Chất lượng VSTEP là vấn đề được nhiều người nhắc đến. Đề dễ hơn, công tác coi thi và chấm thi tiềm ẩn nhiều phức tạp, không loại trừ khả năng tiêu cực là nghi vấn được không ít giáo viên, phụ huynh đặt ra.
Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 25 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh VSTEP, trong đó có 10 trường ở Hà Nội, 8 trường ở TP Hồ Chí Minh. Đưa ra ý kiến về băn khoăn trên, một giáo viên làm công tác tổ chức thi VSTEP bày tỏ: “Đúng là có nhiều câu hỏi nghi ngờ, không thiện chí hoặc chê VSTEP nhưng rõ ràng đây là một kỳ thi thật. Các khâu tổ chức đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và muốn thi có kết quả tốt thì thí sinh phải học rất cẩn thận, có trình độ tiếng Anh, không thể có trường hợp nào học tiếng Anh không tốt mà đạt chứng chỉ tốt được”.
Cũng theo người này, đến nay chưa có một khảo sát hay nghiên cứu chuyên sâu nào về mức độ dễ và khó của VSTEP so với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác; do vậy, nói IELTS, TOEFL, TOEIC... khó hơn VSTEP vẫn thuộc về nhận xét cá nhân, cảm tính chứ chưa thể kết luận được.
Trong khi đó, là đơn vị đã kiểm chứng khóa sinh viên đầu tiên tuyển sinh bằng VSTEP- trường ĐH Ngoại ngữ đưa ra nhận định: “Thí sinh sử dụng kết quả thi VSTEP để xét tuyển vào trường có năng lực tốt. Năm 2023, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng chứng chỉ này để tuyển sinh đầu vào”.
Bên cạnh băn khoăn về chất lượng, có thể thấy uy tín, niềm tin của VSTEP với người dân là chưa nhiều. Ghi nhận tại Trung tâm Đánh giá năng lực ngoại ngữ (ĐH Sư phạm Hà Nội)- một trong 25 đơn vị được Bộ GD&ĐT cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP cho thấy, từ khi mở (2019) đến nay, đối tượng dự thi tại trung tâm chủ yếu là sinh viên, học viên sau ĐH, cán bộ, nhân viên đã đi làm và họ thi lấy chứng chỉ để đảm bảo chất lượng đầu ra theo yêu cầu của trường ĐH hoặc phục vụ nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về cán bộ của đơn vị công tác.
“Mỗi loại chứng chỉ sẽ phục vụ một mục đích nhất định. VSTEP đang làm rất tốt vai trò của mình với nhiệm vụ là minh chứng cần và đủ để sinh viên, học viên ra trường, đi làm, học cao học trong nước hay ứng tuyển xin việc”- một chuyên gia đào tạo nêu ý kiến.
Còn TS Trần Minh Hoàng, sáng lập Learning 247, tác giả bộ sách về Làm chủ tiếng Anh từ gốc thẳng thắn: “Ngoại ngữ là tiếng nước ngoài nên khi chứng chỉ ngoại ngữ được nội địa hóa đương nhiên sẽ bất lợi so với chứng chỉ ngoại. Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có uy tín lâu năm, giúp giải quyết được nhiều việc và sử dụng diện rộng hơn. Tuy nhiên, nếu hiểu theo hướng tích cực thì chứng chỉ nội rất mới nên sẽ cần thời gian để xã hội biết tới và gây dựng niềm tin để sử dụng. Muốn vậy, chứng chỉ nội cần được truyền thông rộng rãi, tạo niềm tin, uy tín với các thầy cô giáo, từ đó truyền niềm tin đến cho học trò”.
Được biết, hiện sinh viên đã biết đến VSTEP nhiều hơn do công tác truyền thông về chứng chỉ này đã và đang được khởi động với nhiều hình thức khác nhau như tọa đàm, tờ rơi, tờ gấp...; giúp sinh viên biết đến tổng quan, kết cấu, tiêu chí chấm, các thủ tục tham gia thi VSTEP. Cùng việc mở rộng trong sử dụng VSTEP để xét tuyển đầu ra/đầu vào ĐH, việc truyền thông đúng hướng về VSTEP cũng giúp chứng chỉ nội được biết đến nhiều hơn và giúp người có nhu cầu thêm cơ hội lựa chọn.