Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo khoa học thường niên "Diễn đàn báo chí tháng Sáu” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đồng thời, cũng là Hội nghị tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016, một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT được Chính phủ giao gắn với nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển, gia tăng quyền tự do báo chí, cũng như tự do ngôn luận trên báo chí của người dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời nhanh chóng điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sau 6 năm có hiệu lực thi hành, Luật Báo chí đã có một số quy định bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí. Điều này là tất yếu trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại và báo chí cũng không đứng ngoài xu thế này. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Được biết vào cuối tháng 3/2022, Bộ TT&TT đã có Báo cáo số 57IBC-BTTTT gửi Chính phủ về kết quả nghiên cứu, ra soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo đã nêu ra 27 nội dung nhóm nội dung có quy định bắt cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển. Đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là việc bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại.
Theo TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều như hiện nay. Tuy nhiên, trong Luật hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với hình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí.
Có thể kể đến như, có nên phân cấp “Thẻ nhà báo” và “Thẻ phóng viên” hay không. Hoặc có nên bổ sung vấn đề nếu đăng sai trên báo in với mức độ nghiêm trọng, dù đã đăng cải chính xin lỗi, còn cần thu hồi số báo đã phát hành để tránh những thiệt hại về mặt thông tin, ông Kiên đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, Phó tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông Trần Anh Tú nhận định, để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc.
Về khía cạnh của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, hiện cơ quan đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ TT&TT nhằm nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
Trên cơ sở quá trình nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia, các cơ quan báo chí, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật Báo chí 2016, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ TT&TT thông cập nhật và bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian qua về công tác báo chí để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.
Bên cạnh đó là tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc về thể chế gây cản trở cho hoạt động của cơ quan báo chí cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí. Xây dựng kế hoạch toàn diện, chi tiết về việc sửa đổi, bổ sung Luật, báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật và thực hiện quy trình theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ, thời hạn được giao, ông Nguyễn Thanh Tịnh nói.
Được biết, Hội thảo sẽ đi sâu vào các vấn đề chính như: Đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý Nhà nước và hoạt động báo chí, những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới; Phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam (Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến 2030…) và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí; Trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.