Cảnh báo người dân về ứng dụng VNeID giả mạo chứa mã độc
Kinhtedothi - Trước tình trạng tội phạm mạng lợi dụng việc sáp nhập đơn vị hành chính và ra mắt ứng dụng VNeID để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo quan trọng nhằm bảo vệ người dân trước các thủ đoạn tinh vi này.

Ảnh minh họa.
Từ ngày 1/7/2025, khi 34 tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhiều đối tượng lừa đảo đã giả danh cán bộ xã, phường, cảnh sát khu vực gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn, yêu cầu người dân truy cập vào các đường dẫn hoặc cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo chứa mã độc.
Các ứng dụng giả này được thiết kế tinh vi nhằm chiếm quyền kiểm soát thiết bị của người dùng, từ đó đánh cắp mã OTP tài khoản ngân hàng, dữ liệu sinh trắc học và thông tin cá nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng tổng đài ảo hoặc thuê bao di động để tạo lòng tin, đồng thời thu thập trước thông tin cá nhân của nạn nhân nhằm tăng tính thuyết phục. Khi người dân làm theo hướng dẫn, chúng sẽ dụ dỗ cung cấp mã OTP hoặc các thông tin nhạy cảm khác, dẫn đến mất tiền trong tài khoản hoặc bị đánh cắp danh tính số.
Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không truy cập các đường dẫn lạ, không cài đặt ứng dụng VNeID từ các nguồn không chính thống và không làm theo các yêu cầu qua điện thoại từ người tự xưng là cán bộ địa phương hoặc cảnh sát khu vực.
Người dân chỉ nên cập nhật thông tin trực tiếp tại công an xã, phường nơi cư trú để đảm bảo an toàn. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, người dân cần lưu ý ứng dụng VNeID chính thức do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) phát triển, chỉ được tải từ các kho ứng dụng chính thống như CH Play hoặc App Store, có gắn nhãn "Chính phủ" hoặc tên cơ quan nhà nước. Việc cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ bị cài mã độc, mất an toàn thông tin cá nhân và tài sản.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh căn cước công dân (CCCD) điện tử trên ứng dụng VNeID sau khi cập nhật địa chỉ mới do sáp nhập địa giới hành chính. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thông tin cá nhân nhạy cảm trên VNeID rất dễ bị kẻ xấu thu thập để tạo các kịch bản lừa đảo tinh vi, thậm chí sử dụng công nghệ giả mạo như Deepfake, Deepvoice nhằm đánh lừa người dùng qua các cuộc gọi video giả mạo.
Chuyên gia công nghệ thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia lưu ý: "Người dân cần cảnh giác với các nội dung được tạo ra bằng công nghệ Deepfake, đặc biệt khi chúng bị lợi dụng để tống tiền hoặc lừa đảo. Việc chia sẻ hình ảnh VNeID trên mạng xã hội là hành động rất nguy hiểm".
Để bảo vệ bản thân, người dân nên hạn chế đăng tải thông tin cá nhân, đặc biệt là hình ảnh CCCD điện tử lên mạng xã hội. Nếu muốn chia sẻ thông tin về địa phương mới sau sáp nhập, hãy sử dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng như biển tên địa phương hoặc ảnh sinh hoạt cộng đồng thay vì hình ảnh cá nhân trên VNeID.
Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các tin nhắn, email, cuộc gọi không xác định, đặc biệt là những lời mời đầu tư hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Người dùng nên cài đặt tài khoản ở chế độ riêng tư và nhanh chóng trình báo cơ quan công an khi nghi ngờ bị lừa đảo.
Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác của người dân là yếu tố then chốt để phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng, góp phần bảo vệ an toàn thông tin cá nhân và tài sản trong thời đại chuyển đổi số.

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo "bắt cóc online” qua Zalo
Kinhtedothi - Mới đây, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa giải cứu thành công nữ sinh năm 3 của một trường đại học bị nhóm tội phạm "bắt cóc online" qua mạng xã hội.

Cảnh báo lợi dụng sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính để lừa đảo
Kinhtedothi - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian gần đây, đã xuất hiện hiện tượng một số đối tượng xấu đã lợi dụng thông tin về việc các địa phương hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh nhân viên điện lực yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân từ trào lưu khoe ảnh căn cước công dân
Kinhtedothi - Trào lưu khoe ảnh căn cước công dân (CCCD) với quê quán mới trên ứng dụng VNeID đang thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc chia sẻ hình ảnh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân, tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi.