Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần Thơ: Đầu tư hơn 180.000 tỷ đồng thu hút đầu tư công nghiệp

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của TP Cần Thơ có tổng vốn đầu tư tối đa lên tới 180.000 tỷ đồng.

Ngày 16/3, Văn phòng UBND TP Cần Thơ cho biết, vừa có quyết định phê duyệt Đề án: “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, Đề án có 2 giai đoạn, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư từ 75.000 - 80.000 tỷ đồng.

Phối cảnh các công trình nhà máy, xí nghiệp KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1). Đây được xem là một trong những dự án tạo cú huých đưa TP Cần Thơ cất cánh.Nguồn: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ.
Phối cảnh các công trình nhà máy, xí nghiệp KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1). Đây được xem là một trong những dự án tạo cú huých đưa TP Cần Thơ cất cánh.
Nguồn: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ.

Trong đó, vốn ngân sách 13.500 - 17.600 tỷ đồng; vốn từ doanh nghiệp tư nhân và dân cư 11.250 - 14.400 tỷ đồng; vốn tín dụng, đầu tư 11.250 - 16.000 tỷ đồng; vốn hợp tác bên ngoài (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI) 33.750 - 44.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao với tổng vốn đầu tư 90.000 - 100.000 tỷ đồng.

Cụ thể,  vốn ngân sách 13.500 - 20.000 tỷ đồng; vốn từ doanh nghiệp tư nhân và dân cư 16.200-20.000 tỷ đồng; vốn tín dụng, đầu tư 13.500 - 20.000 tỷ đồng; vốn hợp tác bên ngoài (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI) 40.500 - 55.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là thu hút đầu tư nhằm phát triển các ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp chủ lực như chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản; sản xuất hóa chất (dược phẩm, phân bón…); công nghiệp công nghệ cao (điện tử, viễn thông…); cơ khí chế tạo, vật liệu mới; năng lượng mới, năng lượng tái tạo và nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, Đề án sẽ  đánh giá lại hiện trạng và xác định các vấn đề trọng tâm cho phát triển công nghiệp với vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL, bao gồm: Ngành chủ lực, hỗ trợ, bố trí không gian và kết cấu hạ tầng. Kết quả của đề án sẽ đóng góp vào nhiệm vụ lập quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.