Cục Thống kê TP Cần Thơ cho hay, tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý II/2022 của TP Cần Thơ tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của TP trong vòng 3 năm nay.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 3,2%, chiếm tỷ trọng 8,7% trong tổng cơ cấu kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng gần 12%, chiếm hơn 32%). Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ mở cửa và sôi động trở lại với mức tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 51% tổng cơ cấu kinh tế.
Về hoạt động của DN, theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, lũy kế tính đến ngày 22/6, TP có 910 DN đăng ký thành lập mới, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước; song số vốn đăng ký đạt hơn 5.336 tỷ đồng, chỉ bằng 53% so cùng kỳ.
Cũng trong thời gian này, TP có 236 DN hoạt động trở lại, tăng gần 29%. Tuy nhiên cũng đã có 396 DN tạm ngừng hoạt động, 345 DN đã hoàn thành giải thể và đang tiến hành các thủ tục giải thể.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 6 tháng đầu năm 2022, TP có hai dự án với vốn đăng ký thực hiện khoảng 161 triệu USD; đồng thời chấm dứt hoạt động 2 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 0,5 triệu USD. Lũy kế đến cuối tháng 6/2022, TP có 85 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, vốn thực hiện chiếm khoảng 22% tổng vốn đăng ký.
Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, số liệu cho thấy hoạt động thu hút vốn trong và ngoài nước vẫn chưa có chuyển biến tích cực, các DN đăng ký mới chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ; các dự án đầu tư có quy mô lớn làm chuyển biến hoạt động sản xuất, góp phần thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp thúc đẩy tăng trưởng của TP chưa nhiều.
Tổng thu ngân sách nhà nước của TP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5.946 tỷ đồng, tăng 0,35% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa 5.853 tỷ đồng (tăng 3,1%); thu hải quan hơn 93 tỷ đồng (giảm 62,8%). Tổng chi ngân sách địa phương hơn 6.831 tỷ đồng, tăng 2,8% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của TP ước đạt 15.481 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt hơn 2.025 tỷ đồng (giảm 1,9%); vốn ngoài nhà nước đạt hơn 12.519 tỷ đồng (tăng 22%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 935 tỷ đồng (tăng 2,6 lần so với cùng kỳ).
Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm. Tính đến ngày 24/6, TP đã giải ngân 1.477 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương 1.382 tỷ đồng, đạt 18,9%, điều này chưa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, nhất là các ngành như công nghiệp, xây dựng…
Về thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 20/6, toàn TP đã phê duyệt hỗ trợ 3.835 người sử dụng lao động, với 737.959 lượt người, kinh phí trên 1.357 tỷ đồng. Trong đó, đã chi hỗ trợ cho 3.835 người sử dụng lao động, với 687.568 người, tổng kinh phí trên 1.295 tỷ đồng, đạt hơn 93% so với số lượng được duyệt…