Cần Thơ: Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Quốc hội

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Cần Thơ vừa có báo cáo gửi HĐND TP sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Theo đó, đối với chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước hiện do khó khăn về nguồn lực nên việc triển khai vẫn còn chậm, TP đã và đang có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

Cần Thơ quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 11/ 2/2022 của Quốc hội với hiệu quả cao nhất. Ảnh Quốc Chí
Cần Thơ quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 11/ 2/2022 của Quốc hội với hiệu quả cao nhất. Ảnh Quốc Chí
Đồng thời, UBND TP đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương tham mưu hoàn thiện Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để đậu xe. Bên cạnh đó, rà soát một số loại phí khác để xây dựng đề án điều chỉnh mức thu phí, trình HĐND TP xem xét.

Đối với chính sách về quản lý đất đai, HĐND TP đã thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm 2022, trong đó có 2 dự án có sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha, gồm Dự án Đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ với diện tích 157,75 ha và Dự án Đường tỉnh 921 với diện tích 22,38 ha.

Với chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, UBND TP trình HĐND TP chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể do thành phố quản lý; Nghị quyết quy định mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cao hợp tác, làm việc tại TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2027. 

Đối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải sẽ lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết giao UBND TP Cần Thơ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, TP đã làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, trong đó tiếp tục lấy ý kiến một số Bộ, ngành. Đến nay, đã thống nhất một số nội dung quan trọng như: Quy mô Dự án khoảng 250 ha; hoạt động Trung tâm là một khu vực sản xuất kinh doanh (không phải là khu công nghiệp); cơ sở pháp lý về sử dụng đất thực hiện dự án. 

 Dự kiến, Đề án sẽ được phê duyệt sau khi Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Thành phố sẽ tập trung tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm.