Ngày 31/5, Quốc hội đã thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP Đà Nẵng. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần xem xét các chính sách đặc thù, hiện nay có 10 tỉnh, thành phố được thí điểm cơ chế đặc thù, các chính sách này đang trong quá trình triển khai thực hiện cũng cần có thời gian đánh giá...
Còn đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành đề nghị, bổ sung nội dung tổng kết thực tiễn của các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù thời gian qua vào Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có nội dung triển khai chính sách khai thác, phát triển quỹ tại đất đô thị để dự báo những vấn đề phát sinh, là cơ sở bổ sung quy định tại Dự thảo Nghị quyết.
"Đối với đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất, bổ sung nội dung quản lý Nhà nước về Khu thương mại tự do như: quy hoạch, môi trường…" - đại biểu Lê Nhật Thành nói.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đề nghị rà soát lại 2 dự thảo Nghị quyết với các quy định pháp luật hiện hành, một số chính sách đã được pháp luật hiện hành quy định thì không nên quy định lại tại Dự thảo Nghị quyết (như khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tỉnh Nghệ An).
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rà soát và quy định về cơ chế chính sách đặc thù một cách tổng thể tại 2 dự thảo Nghị quyết, trong đó có quy định về việc đề xuất tăng cường bộ máy và biên chế cho TP Vinh (tỉnh Nghệ An); về quy định cơ cấu tổ chức của UBND phường tại dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù TP Đà Nẵng… bảo đảm nguyên tắc tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước và tạo sự bình đẳng với các địa phương khác.
Đại biểu Khuất Việt Dũng cho rằng, cơ chế đặc thù của từng tỉnh thì nên phù hợp với từng địa phương, Chính phủ cần bổ sung đánh giá cơ chế chính sách đặc thù đã được ban hành tại các địa phương và bổ sung giải trình các ý kiến còn khác nhau tại báo cáo thẩm tra.
Góp ý vào Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 các chỉ số đều đạt được tích cực: thu ngân sách Nhà nước tăng so với dự toán; chi thấp hơn so với dự toán, trong đó, thâm hụt ngân sách thấp, bội chi bằng 3,07% GDP, nợ công giảm (thấp nhất trong vòng 15 năm qua).
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại về việc chấp hành ngân sách như: còn nợ xây dựng cơ bản từ các năm trước và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới năm 2022; còn 12 địa phương chưa trình HĐND ban hành Nghị quyết điều chỉnh quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022…