Cẩn trọng khi dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của công lý

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận đang có nhiều ý kiến xung quanh việc TAND Tối cao có công văn lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Bức tượng vua Lý Thái Tông được ngành chọn làm biểu tượng công lý đặt tại trụ sở TAND Tối cao và tòa án Nhân dân, tòa án các cấp. Về sự việc này, các nhà khoa học, lịch sử, điêu khắc đã có những nhận định, cho rằng việc thực hiện cần phải cẩn trọng.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. TAND Tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND Tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.
Một trong các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đang được lấy ý kiến.
Những người thực hiện đề án đưa ra 5 tiêu chí thuyết minh cho lựa chọn này: Vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt.
Ông là người xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng; trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng; cho đúc chuông lớn đặt trước chính điện Thiên An để người dân trong nước có oan ức đến đánh chuông. Ông chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương thành vị quan xét xử mẫu mực, sau này đăng quang ngôi vua Lý Thánh Tông.
Về vấn đề TAND Tối cao lựa chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng đã nhận được nhiều ý kiển ủng hộ. Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường chia sẻ: “Tôi ủng hộ ý tưởng cần có biểu tượng công lý. Chúng ta có nhiều việc cần làm nhưng việc này rất cần thiết”.
Cũng ủng hộ việc lựa chọn của TAND Tối cao, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Đây không phải là thần công lý, đây là biểu tượng của ngành. Nhiều quốc gia cố gắng chọn được một nhân vật riêng, bên cạnh hình tượng công lý nói chung”.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận định, TAND Tối cao đã thực hiện quy trình dựng tượng của Lý Thái Tông bài bản, khoa học, chặt chẽ. TAND Tối cao đã thành lập ban chỉ đạo, mời chuyên gia của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tư vấn. Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Sau khi chọn được 25 nhân vật tiêu biểu cho ngành, các chuyên gia được mời viết bài thuyết minh để chọn ra 15 nhân vật. Các chuyên gia lại họp và đánh giá, chọn ra 5 nhân vật tiêu biểu để nghiên cứu sâu hơn, đưa ra hội thảo có tính chất toàn quốc. Có hơn 70% ý kiến người dự hội thảo và chuyên gia bỏ phiếu chọn Lý Thái Tông. Sau đó ban chỉ đạo họp, đề xuất thêm một nhân vật để lấy phiếu rộng rãi trong ngành, kết quả vua Lý Thái Tông nhận được 82,5% số phiếu đồng tình”.
Dưới góc độ mỹ thuật, các nhà điêu khắc cho rằng, khi thực hiện các mẫu phác thảo, tác giả cần tìm phương án để đạt tiêu chí về nghệ thuật tạo hình. Làm thế nào để không cần chú thích, người xem nhận biết được đó là biểu tượng của công lý. Đồng thời, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử cũng băn khoăn làm cách nào để có bức tượng đẹp, mang đậm chất Việt. PGS.TS Trần Đức Cường chia sẻ ý tưởng: “Theo tôi, các nhà điêu khắc nên lấy mẫu từ đền thờ tám vị vua triều Lý ở Bắc Ninh, làm sao để đẹp và sống động”.
Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Hội đồng nghệ thuật dự kiến họp ngày 28/4, khi ấy mới bàn tới các yếu tố về ngôn ngữ tạo hình, cần hay không cần việc cầm cán cân”.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Dưới góc độ quản lý Nhà nước về các công trình mỹ thuật, Cục tham gia hội đồng và giám xét việc thực hiện tuân theo Nghị định 113 và các thông tư, văn bản hướng dẫn”.
Cùng với đó, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho hay: Còn quá sớm nhận xét cụ thể về phác thảo, phải chờ họp hội đồng nghệ thuật. Tuy thế, ông nêu quan điểm cần cẩn trọng về ngôn ngữ nghệ thuật, nhất là với các nhân vật lịch sử xa xưa, làm sao để thể hiện sắc nét thần thái của nhân vật.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc mỗi TAND, tòa án các cấp đặt tượng sẽ làm lãng phí. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Tôi nghĩ dư luận xã hội lo lắng như thế là cần thiết. Chúng tôi sẽ họp để xem xét các mẫu phác thảo, cũng như lắng nghe ý kiến xã hội”.
Các chuyên gia sử học được lấy ý kiến đều đồng thuận về lựa chọn nhân vật, khẳng định không có chuyện đúc tượng đồng nguyên khối cao 5m ở 63 tỉnh thành. Tượng này chỉ đặt ở TAND Tối cao. Nhà sử học Trần Đức Cường cũng góp ý, việc dựng tượng vua Lý Thái Tông là cần thiết, nhưng tránh lãng phí tiền của Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần