Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian gần đây, thị trường Việt Nam ghi nhận sự phát triển nhanh chóng và bùng phát của các mô hình cho vay trực tuyến, trong đó có một số mô hình cho vay trên cơ sở kết hợp giữa công ty tư vấn và công ty dịch vụ cầm đồ.
Từ thực tế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đối với một số mô hình cho vay - cầm đồ trực tuyến nêu trên, qua quá trình rà soát hoạt động của một số công ty có liên quan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng bước đầu ghi nhận một số vấn đề.
Theo đó, một số công ty thu thập thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc của người đi vay nhưng không nêu mục đích sử dụng thông tin này (ví dụ, để liên hệ khi thực hiện nhắc/thu nợ).
Một số khác thu thập thông tin về ứng dụng mà người đi vay hay sử dụng (viber, facebook, zalo...) nhưng cũng không nói rõ việc sẽ kiểm tra hoặc liên hệ với danh sách bạn bè trên các ứng dụng này khi công ty thực hiện thu/nhắc nợ.
Nhưng thực tế, một số công ty thu thập thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc của người đi vay nhưng không nêu mục đích sử dụng thông tin này.
Vì vậy, trước khi cung cấp thông tin, người tiêu dùng cần tìm và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng, tránh trường hợp tự gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.
Không chỉ vậy, còn có cả trường hợp bán thông tin cho đơn vị khác. Ví dụ trong điều kiện để vay tiền của trang doctordong.vn có đoạn: "Khách hàng đồng ý rằng công ty có thể tiết lộ dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng cho các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết và những thành viên khác của các thành viên góp vốn.
Công ty có thể tiết lộ dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng cho các nhà thầu và bên thứ ba, bao gồm nhưng không giới hạn các bên môi giới, bên bảo hiểm và bên xử lý dữ liệu (dù là trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam), và cho các cơ quan chức năng liên quan".