Cẩn trọng trước thủ đoạn của “cò” vaccine “5 trong 1”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi vaccine “5 trong 1” rơi vào tình trạng khan hiếm đến tột đỉnh, thậm chí cuối năm 2015 có hàng trăm người thức trắng đêm để “săn” vaccine cho con trẻ thì các đối tượng xấu đã nắm bắt tâm lý của người có nhu cầu nhằm mục đích lừa đảo.

Ngày 5/3, Cơ quan CSĐT - Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Nụ (SN 1989, trú tại huyện Mê Linh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, Nụ đang nuôi con nhỏ, cơ quan điều tra đã ra lệnh cấm Nụ đi khỏi nơi cư trú… Trước đó, vào cuối tháng 2/2016, một số nạn nhân đã đến Công an phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nụ dưới hình thức mua bán suất tiêm vacine “5 trong 1”. Qua điều tra, cơ quan công an bước đầu làm rõ hành vi lừa đảo của Nụ. Theo cơ quan điều tra, đến thời điểm bị bắt, Nụ đã lừa đảo, chiếm đoạt 88,5 triệu đồng của 16 bị hại. Toàn bộ số tiền lừa đảo được, Nụ đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân.

Theo cơ quan CSĐT, thủ đoạn của đối tượng là không mới, tuy nhiên tâm lý của nhiều người dân về nhu cầu bằng mọi giá phải tiêm vaccine “5 trong 1” cho trẻ nhỏ, từ đó Nụ đã thường xuyên quảng cáo có thể giải quyết được việc tiêm dịch vụ loại vaccine này. Nụ lấy tên giả, rao trên mạng internet là mình đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, có khả năng mua được các suất tiêm phòng vaccine “5 trong 1” và bán lại. Nụ để lại số điện thoại và hướng dẫn người có nhu cầu chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân của Nụ. Mỗi mũi tiêm, Nụ yêu cầu các nạn nhân phải đặt cọc ít nhất 2,3 triệu đồng, tiêm 2 mũi phải đặt cọc 4,2 triệu đồng. Trên thực tế, nhiều người đã tin và bị Nụ lừa gạt với “kịch bản” tương tự nhau. Thậm chí, có trường hợp không biết Nụ lừa gạt nên đã giới thiệu cho cả bạn bè mua vaccine… “ảo” của Nụ. Hiện, Công an quận Hai Bà Trưng vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Liên quan đến vụ việc này, nhằm đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo: Người dân nên đưa trẻ đi tiêm các mũi tiêm phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Không nên chờ đợi vaccine dịch vụ, bởi trong khi chờ, trẻ có thể mắc các bệnh dịch nguy hiểm và tử vong. Cục Y tế dự phòng cũng đã có công văn gửi các đơn vị liên quan, khẳng định: Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường, đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vaccine “xách tay”. Để ngăn chặn, Cục Y tế dự phòng đã công bố số điện thoại đường dây nóng: 1900 9095 để người dân có thắc mắc liên quan đến tiêm chủng hoặc thông tin về các trường hợp sai phạm, đáng ngờ về rao bán vaccine.