70 năm giải phóng Thủ đô

Cẩn trọng với lạm phát, tỷ giá cuối năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước, tháng 8 tăng 0,88% và tháng 9 tăng tới 1,08%. Một số chuyên gia kinh tế cũng đưa cảnh báo về rủi ro lạm phát cũng có thể xuất hiện trở lại.

Không lơ là với lạm phát

Theo Tổng Cục Thống kê, một trong những yếu tố tích cực tạo lực kéo nền kinh tế trong quý III/2023 là sự phục hồi của sức tiêu dùng. Theo đó, trong quý III, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3%.

Giá năng lượng tăng gây áp lực đến lạm phát. Ảnh: Công Hùng
Giá năng lượng tăng gây áp lực đến lạm phát. Ảnh: Công Hùng

Tuy nhiên, cùng với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và giá cả một số mặt hàng tăng cao xuất phát từ việc CPI liên tục tăng khá mạnh trong những tháng qua. CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước, tháng 8 tăng 0,88% và tháng 9 tăng tới 1,08%.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, một số địa phương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 9 tăng khá lớn so với diễn biến giá cả thị trường những năm gần đây. Đó cũng là mức tăng cao nhất của các tháng 9 trong 5 năm qua.

Nhiều khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% của năm nay sẽ đạt được khi mà CPI bình quân 9 tháng đầu năm chỉ tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tại các phiên họp gần đây của Tổ công tác điều hành vĩ mô 1317, hay trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 mới đây, nhiều ý kiến cảnh báo không được chủ quan với lạm phát.

Trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam, ngân hàng HSBC Việt Nam duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5%, kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ trong Quý IV. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại.

HSBC cho rằng, trong khi lạm phát tháng 9 được kiềm chế ở mức 3,7%, dưới mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát liên tục nhích lên làm dấy lên mối lo ngại. HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó: 3,2%) cho năm 2023.

Tỷ giá, giá năng lượng tăng cao trở lại

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra, diễn biến chỉ số CPI đang chứa đựng không ít rủi ro. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát các tháng còn lại của năm 2023 là: giá lương thực, thực phẩm đang tăng. Việc tăng 20% lương cơ bản từ ngày 1/7/2023 cũng tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Những tác động này có thể còn lớn hơn trong quý IV/2023, khi vào dịp cuối năm, lễ, Tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa, tiêu dùng dịch vụ tăng cao.

Một rủi ro khác là giá dầu trên thị trường thế giới đang tăng cao, hiện ở mức trên 90 USD/thùng. Giá dầu trên thị trường thế giới vẫn là ẩn số. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu có thể sẽ tăng tới 97 USD/thùng. Điều này nếu xảy ra sẽ tác động tới giá xăng dầu trong nước và ảnh hưởng đến lạm phát của nước ta.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xăng dầu là nhiên liệu quan trọng của nền kinh tế, được dùng trong nhiều ngành sản xuất, đặc biệt trong ngành vận tải, đánh bắt thuỷ sản. Xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí nguyên nhiên vật liệu của nền kinh tế. Xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình. Theo tính toán, xăng dầu tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu có thể sẽ tăng tới 97 USD/thùng. Vì vậy, tăng giá xăng dầu tạo áp lực khá lớn lên lạm phát thực và lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Đó là chưa kể còn nhiều yếu tố được cho là sẽ tác động đến giá cả thị trường những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Chẳng hạn, giá điện dự kiến tăng là một điểm đáng lưu ý. Vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm có thể cũng tác động tới lạm phát.

Trước nỗi lo này, hiện đã có những đề xuất về việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện hợp lý. Đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu và cân đối nguồn điện để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu để giữ ổn định giá tránh việc tăng giá xăng dầu quá cao. Đồng thời, hỗ trợ giá cho một số ngành có chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung-cầu thị trường. Đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và tránh việc tăng cục bộ tại một vài địa phương, từ đó gây gia tăng kỳ vọng lạm phát.

Bên cạnh đó, chính sách tăng lãi suất sẽ phát huy hết tác dụng vào cuối năm nay và đầu năm 2024 sẽ tạo áp lực rất lớn đến tỷ giá hối đoái giữa VND và USD. “Quá trình phục hồi đang diễn ra trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng. Theo quan điểm của chúng tôi, các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa đã không còn. Kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài”- HSBC Việt Nam đánh giá.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý vấn đề giá xăng dầu và giá mặt hàng lương thực. Hiện có một số yếu tố như Nga và Saudi Arbia cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó là vấn đề biến động giá mặt hàng lương thực, lúa gạo, để vừa xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng lưu ý NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ tỷ giá ổn định, giữ giá trị đồng tiền hợp lý, không để tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô.

 

Rủi ro lạm phát toàn cầu quay lại, giá xăng, dầu cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ 2 tuần qua có khả năng làm gián đoạn nền kinh tế thế giới. Giá dầu cao hơn cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 0,2% vào lạm phát toàn cầu gây áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi tăng trưởng gây thất vọng. (Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh)