Cẩn trọng với rủi ro nợ xấu ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp nhiều dự báo lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng chậm lại, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng so với cùng kỳ.

Đặc biệt luỹ kế 9 tháng, không có ngân hàng nào tăng trưởng âm. Giới trong ngành đánh giá, ngành ngân hàng sẽ có triển vọng tích cực không chỉ cuối năm nay mà sẽ duy trì trong trung và dài hạn.
Lợi nhuận quý III vẫn khả quan

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong quý III của NCB đạt hơn 461 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ, riêng hoạt động dịch vụ có lãi 12,25 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập) đạt 211 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trước đó, TPBank cũng hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với gần 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 43% so với cùng kỳ.

HDBank cho biết, tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt hơn 346.000 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng qua vượt mức 12.100 tỷ đồng, cao hơn gần 24% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, lãi trước thuế của HDBank đã tăng 35%. Nếu tính riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này là 1.711 tỷ đồng, cũng cao hơn 16%.
 Khách hàng giao dịch tại HD Bank. Ảnh: Việt Linh
Tại SHB, 9 tháng năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý III, nhà băng này lãi hơn 1.880 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tại Kienlongbank (KLB), lợi nhuận 9 tháng của nhà băng này tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 72 tỷ đồng, tăng 76%.

Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận của một loạt ngân hàng lớn vẫn sẽ tăng trưởng trong đó, ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất là Techcombank với 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức 35,7% so với cùng kỳ. Vietcombank có lợi nhuận thấp hơn (5.000 tỷ đồng) do mạnh tay cắt giảm lãi vay hỗ trợ DN, tăng trưởng lợi nhuận chỉ 0,3% trong quý III. MB và VPBank cũng được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận tốt trong quý III/2021 với lãi trước thuế ước đạt 3.200 (VPBank) đến 3.300 - 3.400 tỷ đồng (MB), vượt qua VietinBank (khoảng 3.000 tỷ đồng).

Trong số các ngân hàng được SSI Research dự báo kết quả hoạt động quý III/2021, duy nhất VIB được dự báo sẽ tăng trưởng âm, còn lại các ngân hàng khác đều tăng trưởng lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của tất cả ngân hàng đều tăng trưởng dương. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Vietcombank và VietinBank tăng trưởng thấp (5,4% và 2,7%) do giảm mạnh lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.

Theo ước tính của các công ty chứng khoán, nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng duy trì tăng 10,8%. Lý giải của các chuyên gia phân tích thay vì phụ thuộc vào cho vay DN, xu hướng cho vay bán lẻ ngày càng được đẩy mạnh giúp rủi ro được phân tán. Các khoản vay được cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của họ như dự đoán. Trên thực tế, dư nợ cho vay tại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn... chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 1% dư nợ cơ cấu của toàn ngành. Bên cạnh đó, điểm chung giúp duy trì lợi nhuận tăng trưởng là nhiều nhà băng nới rộng được chênh lệch thu, chi từ lãi (đến từ nghiệp vụ huy động và tín dụng). Áp lực giảm lãi suất cho vay từ phía NHNN có thể ảnh hưởng lên lợi nhuận ngân hàng, tuy nhiên tác động tới nhóm ngân hàng quốc doanh hơn là các ngân hàng tư nhân.

Lạc quan kết quả cuối năm

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, nhận định, kết quả kinh doanh quý IV/2021 của các ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ tín dụng gia tăng khi nhiều DN hoạt động trở lại.

Lũy kế 9 tháng và dự báo cả năm, Vietcombank vẫn được dự báo là quán quân lợi nhuận của toàn hệ thống. Cụ thể, lũy kế 9 tháng, Techcombank dự báo đạt lợi nhuận 16.700 tỷ đồng còn Vietcombank đạt 18.600 tỷ đồng. Cả năm 2021, Techcombank khả năng đạt 22.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Vietcombank có khả năng đạt 24.300 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ tăng 5,4%.

Ngân hàng TMCP Quân đội cũng được dự báo có mức tăng trưởng tốt nhờ tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 12 - 13%. Ước cả năm, lợi nhuận của MB có thể tăng 42,2% và lợi nhuận năm tới có thể tăng 21%. Các ngân hàng tiếp theo tiếp tục ghi nhận lợi nhuận khả quan cả năm là ACB tăng 24,2%, HDBank tăng 33,4%, VPBank tăng 29,4%, VIB tăng 25,4%...

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng quý IV/2021 của Vụ Dự báo Thống kê, có 40,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý IV sẽ tăng trưởng so với quý III. Tín dụng sẽ hồi phục trong quý IV/2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại và NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo đó, biên lãi ròng của các ngân hàng sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, việc ghi nhận thu nhập từ phí bancassurance (kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng) và gia tăng hoa hồng bán bảo hiểm trong những năm tới cũng sẽ đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, dự kiến tín dụng sẽ hồi phục trong 3 tháng cuối năm. Lãnh đạo Vụ Tín dụng cho biết, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, DN. Lãi suất dự kiến trong khoảng 3 - 4%/năm. Hiện ngành ngân hàng đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và DN. NHNN sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%, nhưng có thể linh hoạt nếu cần thiết.

Tỷ lệ nợ xấu mới có khả năng tăng

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, do biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh, TP phía Nam kéo dài và nhiều nhà băng giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%/năm kể từ cuối tháng 7/2021, tỷ lệ hình thành nợ xấu mới có khả năng sẽ tăng, đồng thời thu nhập lãi thuần chịu áp lực giảm trong quý III, thậm chí cả quý IV/2021. Tại NCB, chi phí dự phòng của ngân hàng trong quý III ở mức 132 tỷ đồng, gấp 66 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cùng kỳ năm ngoái, NCB phải trích lập 170 tỷ các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của NCB là 800 tỷ đồng, tăng 191 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, chi phí dự phòng vì các khoản nợ xấu tiềm tàng vì Covid-19 dự kiến còn tiếp tục tăng lên đáng kể. Chi phí dự phòng các ngân hàng thương mại sẽ tăng 20%, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tương đối thấp. Theo nhóm nghiên cứu này, điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý IV. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, nguồn lực của các tổ chức tín dụng đến nay đã dần suy giảm, những khoản nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng bản chất nền tảng vẫn là nợ xấu, chỉ khác là ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro ngay.

Tại phiên họp thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ.

"Cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu, nhất là ở những ngân hàng chưa đảm bảo về an toàn vốn. Chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Các cấp có thẩm quyền cần thúc đẩy áp dụng quy định về an toàn vốn đối với mọi ngân hàng để đảm bảo sức khỏe cho khu vực tài chính." - Chuyên gia kinh tế cao cấp Worlbank Việt Nam - bà Dorsati Madani

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần