Ngày 20/10, tại xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã xảy ra vụ án mạng khiến bé gái hơn 1 tháng tuổi tử vong. Nghi phạm gây ra vụ án mạng trên là ông nội của nạn nhân.
Lãnh đạo UBND xã Lại Thượng cho biết, ở địa phương, người đàn ông bị trầm cảm và vẫn thường xuyên trông cháu. Sau khi gây án, nghi phạm cũng tự sát nhưng được mọi người đưa đi cấp cứu.
Phân tích về tình trạng bệnh lý của nghi phạm, ông La Đức Cương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, bệnh tâm thần hay rối loạn tâm thần là một loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần, những rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và cả hành vi của người bệnh.
Các bệnh tâm thần thường gặp tại cộng đồng gồm: bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển tâm thần, trầm cảm… Ngoài ra, các vấn đề tâm thần xã hội như nghiện rượu, nghiện ma túy, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên…
Các bệnh nhân tâm thần phần lớn là mạn tính, cần coi họ như những người bệnh khác, có thể chữa khỏi được hoặc ổn định. Vấn đề quản lý điều trị và phục hồi chức năng tâm lý xã hội tại cộng đồng có tầm quan trọng đặc biệt đối với bệnh nhân tâm thần.
Với người mắc bệnh tâm thần thì tùy thuộc vào tình trạng bệnh của họ, để xác định thuộc trường hợp điều trị bắt buộc tại cơ sở y tế, hay quản lý tập trung tại cơ sở của Trung tâm bảo trợ xã hội/quản lý tại cộng đồng. Với việc quản lý tại cộng đồng thì gia đình được tư vấn, người bệnh được tư vấn và nhân viên y tế ở cơ sở quan tâm, tư vấn.
Ông La Đức Cương cho biết thêm, Nhà nước ta đã và đang có chương trình quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng. Theo đó, mạng lưới ngành tâm thần có từ trung ương đến địa phương. Ở trung ương, Viện Sức khỏe tâm thần và Bệnh viện Tâm thần Trung ương chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ở địa phương, bên cạnh bệnh viện tâm thần còn có các trạm tâm thần chỉ đạo trực tiếp công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần đến tận xã, phường và đến từng gia đình người bệnh.
Để giảm thiểu các vụ việc đáng tiếc do người tâm thần gây ra, cần tuyên truyền giáo dục về sức khỏe tâm thần cho mọi thành viên trong cộng đồng hiểu biết đúng đắn hơn về các bệnh tâm thần, biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng và cho bệnh nhân tâm thần uống thuốc tại nhà.
Đồng thời, hướng dẫn cho gia đình bệnh nhân và cán bộ y tế cơ sở biết cách hướng dẫn bệnh nhân vui chơi, hoạt động, lao động tái thích ứng… phát hiện kịp thời những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần để báo cáo cho thầy thuốc xử trí kịp thời.