Cần ưu tiên nâng cao chất lượng giáo viên mầm non

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017 cấp học mầm non do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội sáng 20/7, vấn đề nâng cao chất lượng giáo viên mầm non (GV MN) được đề xuất như một giải pháp cần ưu tiên.

Bất cập vẫn còn

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, cả nước có hơn 14.600 trường MN. Các địa phương đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, giảm tỷ lệ phòng học tạm, học nhờ; đảm bảo đủ phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi. Ông Vũ Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN (Bộ GD&ĐT) cho biết, những năm gần đây, mạng lưới trường lớp phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh. Công tác đầu tư phát triển trường, lớp MN KCN, khu chế xuất được quan tâm đầu tư. “Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số khu đô thị, KCN thiếu trường, lớp, chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động. Vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường nhỏ, lẻ; Công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn thiếu; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đồng đều giữa các vùng, miền; đội ngũ GV định biên còn thấp so với quy định. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng một số cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục MN thực hiện thu, chi sai quy định” – ông Minh nhấn mạnh.
Một buổi dự giờ kiểm tra chất lượng giáo viên tại trường Mầm non Sơn Ca, quận Hà Đông. Ảnh: Quý Trung
Một buổi dự giờ kiểm tra chất lượng giáo viên tại trường Mầm non Sơn Ca, quận Hà Đông. Ảnh: Quý Trung
Theo ông Minh, bất cập vẫn còn là do các địa phương thiếu quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp MN, một số nơi chưa dành quỹ đất để xây dựng trường, đặc biệt là các KCN. Một số địa phương lại thiếu nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục MN.

Quan trọng nhất là chất lượng giáo viên

Rất nhiều vấn đề được đặt ra trước thềm năm học 2016 – 2017 để giải quyết những bất cập cho bậc học MN. Đó là đầu tư xây trường MN phục vụ con em công nhân ở các khu chế xuất, KCN; phát triển giáo dục MN ngoài công lập… Song vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ GV MN được đại diện các Sở GD&ĐT khẳng định là cần ưu tiên, làm sao để đảm bảo đủ số lượng, tăng chất lượng đầu vào.

Bà Vũ Thị Phương Vinh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, hầu hết GV MN hiện nay đều tốt nghiệp trung cấp sư phạm. Đầu vào không cao, thời gian đào tạo chỉ 2 năm, trong khi yêu cầu đối với GV MN là rất cao. Do đó, bà Vinh đề xuất: “Đào tạo phải có lộ trình, từng bước yêu cầu đầu vào cao hơn đối với GV MN”. Như bà Vinh phân tích, Thông tư liên tịch số 6 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục MN công lập, có nhiều điểm tích cực, song cần có lộ trình triển khai. Hơn nữa, cần giữ nguyên chế độ và định biên với cô nuôi, có vị trí việc làm cho nhân viên cấp dưỡng…

Cũng liên quan đến nội dung này, bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: “Nên có hướng mở được tăng GV khi số trẻ/lớp đông hơn so với quy định của Điều lệ trường MN. Đối với các trường có trên 9 nhóm, lớp cần có 3 vị trí việc làm, trường có dưới 9 nhóm, lớp cần 2 vị trí việc làm; tăng quy định nhiệm vụ bảo vệ từ không vượt quá 2 người lên 4 người… Vì thế nên điều chỉnh Thông tư 06 cho phù hợp hơn”. Đặc biệt, với đặc thù riêng, bà Hương đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu được tuyển dụng GV chuyên biệt dạy các hoạt động nghệ thuật, thể chất tại các trường MN đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao.

Các đề xuất đưa ra đều chung mục đích nâng cao chất lượng GV MN – việc quan trọng để nâng chất lượng giáo dục MN. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện những văn bản cần thiết. Đồng thời, sẽ có hướng dẫn về quy hoạch mạng lưới các trường MN, phổ thông để địa phương kịp thời triển khai…