Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần “vaccine số” cho trẻ em trên môi trường mạng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh nhiều tiện ích, môi trường mạng còn tiềm ẩn vô vàn nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em. Đây cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tình trạng lạm dụng, bạo lực, thậm chí là xâm hại tình dục qua mạng.

Nội dung xấu bủa vây

Đã từ hơn một năm nay, anh Lê Nam (Cầu Giấy) không duy trì thói quen kiểm soát điện thoại của cậu con trai học lớp 7 của mình. Phần vì công việc của bản thân bận rộn, phần vì cậu bé này đã hình thành thói quen sử dụng máy tính để học online trong suốt thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Cũng chính trong “khoảng trống” này, con trai anh Nam đã từ một cậu bé ngây thơ đến giờ đã biết rất nhiều thứ thông qua internet.

“Thấu hiểu” và “đồng hành” là những từ khóa mà các ông bố, bà mẹ thời 4.0 cần lưu tâm để trở thành người bạn của con trên mạng. Ảnh: Thanh Hải
“Thấu hiểu” và “đồng hành” là những từ khóa mà các ông bố, bà mẹ thời 4.0 cần lưu tâm để trở thành người bạn của con trên mạng. Ảnh: Thanh Hải

Một lần vô tình kiểm tra điện thoại của con, anh Nam ngỡ ngàng khi phát hiện ra nhiều điều ngoài sức tưởng tượng của mình. Trong nhóm chat của con trai và các bạn, ngoài các thông tin học tập, nói chuyện phiếm thì những cậu trai này còn gửi cho nhau nhiều hình ảnh hoặc đoạn phim có nội dung người lớn hoặc bình luận khiếm nhã về ngoại hình của bạn gái cùng lớp…

Tại Báo cáo “Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” vừa được UNICEF công bố gần đây cho biết, có tình trạng trẻ em ở Việt Nam bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng, nhưng các em trình báo về việc đó.

Cụ thể, có tới 23% số trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng internet tham gia khảo sát cho biết, các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua. 5% số trẻ từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn; 8% từng nhận được bình luận khiếm nhã. Có tới 43% số trẻ được hỏi cho biết đã không nói với ai khi tình trạng trên đã xảy ra.

Số liệu từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy vấn đề đang ở mức nghiêm trọng. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, đã có 268 cuộc gọi đến tổng đài yêu cầu được tư vấn liên quan đến không gian mạng. Trong đó tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn: Xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (31%) và Tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm (gần 17%).

Nói về nội dung độc hại đang bủa vây trẻ em trên môi trường mạng, CEO CyberPurify - startup sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc nội dung xấu trên internet - Nguyễn Phương Thanh Trúc khẳng định, nội dung người lớn chỉ có trên các trang web người lớn là nhận thức sai lầm bởi trên thực tế, nội dung người lớn xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Theo dõi thông qua phần mềm giám sát của CyberPurify, có tới 70% số trẻ em nhìn thấy hình ảnh khiêu dâm là không chủ ý. Trẻ có thể không chủ ý tìm xem nội dung người lớn nhưng chúng lại hiện lên thông qua quảng cáo, cửa sổ bật lên trên các trang web không liên quan đến khiêu dâm, email rác, các cụm từ tìm kiếm (giới tính), các liên kết chuyển hướng, Google Drive…

Áp dụng triệt để “khiên” công nghệ

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường internet, Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đã sớm có chính sách thông qua Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” đã được Chính phủ ban hành năm 2021.

Trong đó, mục tiêu chính là xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra hệ miễn dịch số để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Bàn về giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường số, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, Tổng đài 111 là một trong những kênh liên lạc hữu hiệu để trẻ cũng như phụ huynh có thể yêu cầu sự giúp đỡ mỗi khi gặp phải tình trạng xâm hại hay quấy rối trên mạng. Bên cạnh hình thức qua điện thoại, Tổng đài còn có kênh Zalo (với tên Tổng đài 111) và ứng dụng (tên Tổng đài 111) trên các kho trực tuyến để tiếp nhận phản ánh.

Hiện, Cục trẻ em đang phối hợp với các công ty công nghệ trong nước nhằm phát triển hệ thống chatbot nhằm sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay người thực hiện tư vấn thông tin, phân tích dữ liệu, hỗ trợ chính quyền địa phương hoặc cán bộ bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ thông tin.

Còn theo chuyên gia của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng
Việt Nam (VNCERT/CC) Đinh Thị Như Hoa, hiện tại đang có khá nhiều công cụ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cha mẹ có thể sử dụng bộ lọc có sẵn trên trình duyệt của máy tính, điện thoại để chủ động chặn các nguồn tin độc hại. Hoặc thông qua những ứng dụng giúp kiểm soát thiết bị như CyberPurify Kids, Kapersky Safe Kids, Google Family Link … nhằm tự động ngăn chặn hiển thị của nội dung không mong muốn.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể vào trang vn-cop.vn do VNCERT/CC phát triển để nhận diện website không an toàn cho trẻ. Webiste này được xây dựng dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, tự động cập nhật và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm đánh giá, nhận dạng 5 nội dung, gồm: Khiêu dâm, bạo lực, chất kích thích (chất cấm), vũ khí nguy hiểm, cờ bạc.

Còn theo chuyên gia an toàn thông tin Ngô Tuấn Anh cho rằng, để bảo vệ và hỗ trợ trẻ trên môi trường mạng cần có sự vào cuộc của cả 4 đối tượng, bao gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ trên mạng, phụ huynh và trẻ em.

Để hiệu quả cao nhất thì cần cơ quan quản lý Nhà nước có hành lang pháp lý, kế hoạch hành động, quy chuẩn tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải có hệ thống chặn lọc nội dung độc hại, không phù hợp lứa tuổi.

Cùng với đó, phụ huynh cần có sự quan tâm, tri thức và kỹ năng bảo vệ con trên môi trường mạng. Quan trọng hơn cả, cần xây dựng “thành trì” ở chính đối tượng cần bảo vệ, đó là tạo ra sự miễn dịch của trẻ, để các em có thể tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.