Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần xã hội hóa để vận hành trạm cấp nước sạch tại xã Võng Xuyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 5 năm qua, nhưng đến nay trạm cấp nước (TCN) sạch Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ chỉ phục vụ cho khoảng 300 cháu nhỏ của trường Mầm non Võng Xuyên B.

Nhiều hạng mục bị hư hỏng

TCN sạch thôn Bảo Lộc có công suất thiết kế 1.000m3/ngày, đêm, được đầu tư theo Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 2/12/2009 của UBND huyện Phúc Thọ với tổng số vốn gần 9 tỷ đồng, do UBND xã Võng Xuyên làm chủ đầu tư. Tháng 8/2011, công trình hoàn thành, được bàn giao cho HTX nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, vận hành, khai thác. Thế nhưng, sau một thời gian vận hành, HTX nông nghiệp đã phải thông báo đóng cửa TCN do thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, đến tháng 8/2014, HTX nông nghiệp mới có báo cáo gửi UBND xã về việc xin thôi không quản lý, vận hành, khai thác TCN với nhiều lý do. Kể từ đó đến nay, TCN chỉ phục vụ cấp nước cho 300 cháu nhỏ của trường Mầm non Võng Xuyên B ở liền kề với công suất 500m3/tháng.
Trạm cấp nước sạch Bảo Lộc cần được đầu tư cải tạo để sớm hoạt động trở lại.
Trạm cấp nước sạch Bảo Lộc cần được đầu tư cải tạo để sớm hoạt động trở lại.
Qua tìm hiểu được biết, thời gian đầu khi có nước sạch, người dân rất phấn khởi, tin rằng từ nay sẽ không phải dùng nước giếng khoan nữa. Nào ngờ, TCN sạch vận hành, thử bơm nước miễn phí đến gần 900 hộ gia đình của thôn Bảo Lộc được khoảng 3 tháng thì bộc lộ rõ việc HTX không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng máy bơm nên TCN đã không thể hoạt động được như mục tiêu đề ra trước đó. Trong khi chờ đợi các cấp, ngành của huyện, TP tính toán, đưa ra giải pháp khắc phục TCN thì người dân thôn Bảo Lộc phải sử dụng nguồn nước giếng khoan đang ngày càng bị ô nhiễm.

Mong trạm cấp nước hoạt động trở lại

Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Ngô Văn Mai cho biết, xác định có nguồn nước sạch để sử dụng là nhu cầu chính đáng của người dân, nên UBND huyện và UBND xã đã tính đến việc đầu tư xây dựng TCN sạch Bảo Lộc. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan khiến TCN sạch sau khi đưa vào vận hành đã bộc lộ một số hạn chế.  Theo ông Mai: “Không chỉ có người dân mà cán bộ thôn, xã Võng Xuyên luôn mong mỏi UBND huyện và các sở, ngành của TP quan tâm hơn nữa để đưa TCN sạch này sớm hoạt động trở lại. Không thể để công trình tiền tỷ tiếp tục bị bỏ quên rồi hoen gỉ theo năm tháng gây lãng phí tài sản của Nhà nước. Mặt khác, nếu để người dân tiếp tục phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không an toàn, nguy cơ xảy ra bệnh tật là điều khó tránh khỏi”.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn thừa nhận, đây là bài học cho các xã, thị trấn và phòng, ban chuyên môn của huyện trong quá trình triển khai xây dựng các TCN sạch khác trên địa bàn trong thời gian tới. Bởi trên thực tế, để đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi phải có chuyên môn và khả năng tài chính để đảm bảo thi công dự án trong một thời gian nhất định. Do vậy, UBND huyện đã phải tính đến chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng là cần thiết để đảm bảo cho các công trình được vận hành phục vụ người dân có hiệu quả hơn. Hiện đã có DN nộp hồ sơ xin tiếp nhận TCN sạch Bảo Lộc để sớm khắc phục những hạng mục bị hư hỏng, đồng thời hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. “Ngày 22/2, UBND huyện đã có Văn bản số 143/UBND-KT gửi Sở NN&PTNT xem xét và tham mưu cho UBND TP giao cho Công ty CP Thương mại dịch vụ nước sạch Tuấn Minh thực hiện việc xã hội hóa đầu tư cải tạo, quản lý vận hành TCN Bảo Lộc. Tuy nhiên, đến nay, Sở NN&PTNT vẫn chưa có thông tin trả lời” - ông Tuấn cho biết.