Tham dự diễn đàn có hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Diễn đàn chia sẻ các ý tưởng và khả năng hợp tác giữa các cơ quan cấp Trung ương và địa phương của Việt Nam và các tổ chức quốc tế về chính sách, phương thức tổ chức các chương trình phát triển nông thôn các nước; đề xuất cơ chế và cách tiếp cận chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam đến năm 2020. Các phương thức tiếp cận phát triển cộng đồng và địa phương; kết nối cộng đồng nông thôn với phát triển kinh tế tổng thể là những chủ đề lớn được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn. Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Tăng Minh Lộc mong muốn hợp tác toàn diện cùng các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, trước mắt đề nghị các nhà tài trợ ưu tiên hỗ trợ trong công tác: đào tạo; hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, cải thiện môi trường nông thôn, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức quản lý điều hành các chương trình, dự án về phát triển nông thôn… Theo Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam Yuriko Shoji, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trên con đường thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua việc cung cấp tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù vậy, bà Yuriko Shoji cho biết vẫn còn thiếu các thông tin về mức độ hoàn thành kế hoạch từ các xã có sự tham gia từ của cộng đồng. Vì vậy, Chương trình xây dựng nông thôn mới còn có nhiều yếu tố cần cải thiện bao gồm giám sát đánh giá quá trình thực hiện và thông tin truyền thông cần mang tính chiến lược không chỉ cho chương trình mà còn với cả xã hội, để bên ngoài hiểu biết rộng hơn về “Tam nông.” Ông Steve Jaffee, điều phối viên phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong 10 năm qua, cứ 4 dự án của WB thì ít nhất có 1 dự án liên quan tới định hướng cộng đồng. WB tài trợ khoảng 2 tỷ USD/năm trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam liên quan tới phát triển cộng đồng, nông thôn. Ông Steve Jaffee cho rằng, từ kinh nghiệm triển khai xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm, với nguồn lực chưa có nhiều, Việt Nam nên xác định những vấn đề ưu tiên đầu tư. Quan trọng là phải chủ động và có sự tham gia của người dân với mục tiêu dài hạn. Với xuất phát điểm khác nhau, cơ sở kinh tế xã hội khác nhau của mỗi địa phương, ông Steve Jaffee băn khoăn nếu đưa ra chỉ tiêu chung như 19 tiêu chí thì liệu có thể đạt được hay không và mong muốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam có sự kết hợp các yếu tố: cộng đồng, thị trường, chính phủ và các ngành liên quan. Theo nhiều đại biểu tại diễn đàn, thời gian qua Việt Nam chú ý nhiều tới chính sách thúc đẩy phát triển nhưng chưa quan tâm đúng mức tới xây dựng chính sách quản lý sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để đảm bảo tính bền vững trong tương lai, nông nghiệp nông thôn cần bước sang giai đoạn mới, sự phát triển phải được quản lý và điều phối chặt chẽ về xã hội, kinh tế, nguồn lực, tài nguyên, môi trường, chất lượng sản phẩm.../.