Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần xây dựng pháp lý riêng cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc quy định rõ ràng về kiểm tra năng lực tài chính và năng lực thực hiện hợp đồng được giao kết, sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất, là nguyên nhân chính dẫn đến thực tế một số doanh nghiệp (DN) bỏ tiền đặt trước khi trúng đấu giá.

Đây là nội dung chính được các chuyên gia bàn luận hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn pháp lý và giải pháp” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 20/4.

Lỗ hổng về pháp lý

Theo đánh giá Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản đều không có quy định việc kiểm tra năng lực tài chính và năng lực thực hiện hợp đồng được giao kết sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất là nguyên nhân chính dẫn đến một số DN từ chối ký hợp đồng, thậm chí, chấp nhận bỏ tiền đặt trước khi trúng đấu giá.

Các chuyên gia cho rằng lỗ hổng pháp lý dẫn đến việc DN tham gia đấu giá sẵn sàng "bỏ cọc".
Các chuyên gia cho rằng lỗ hổng pháp lý dẫn đến việc DN tham gia đấu giá sẵn sàng "bỏ cọc".

“Không riêng Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản, ngay cả Luật Đầu tư cũng không quy định xem xét năng lực tài chính của nhà đầu tư. Khoảng trống trong các quy định của pháp luật này cần được lấp đầy, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư được phê duyệt” -  PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh) cho hay.

Sau gần 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, nhiều tài sản thuộc quản lý Nhà nước được đấu giá đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, đối với tài nguyên đất đai, công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đã nảy sinh một số bất cập như: xác định giá khởi điểm, số tiền đặt trước, năng lực tài chính của DN tham gia đấu giá, xử lý khi bên trúng đấu giá từ chối ký hợp đồng…

“Khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nếu DN không đủ năng lực tài chính khi trúng đấu giá có nguy cơ bỏ tiền đặt trước, hoặc xin gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất đai” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hồ Chí Minh Ngụy Cao Thắng nhìn nhận.

Nên xem xét xây dựng quy định riêng

Tháng 10/2021, vụ đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, do DN tham gia bỏ giá "khủng" rồi sau đó, 2 DN hủy cọc, không tham gia dự án, 2 DN còn lại xin trả góp. Nhưng bên cạnh mặt tiêu cực, sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm cũng là dịp để cơ quan chức năng, nhà đầu tư có những căn cứ, dữ liệu đánh giá, nhìn nhận vai trò, khó khăn, thuận lợi, thách thức của mô hình đấu giá quyền sử dụng đất nhằm huy động nguồn lực xã hội, đây cũng chính là dịp để hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan.

Sự việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước hay đổi quy định liên quan.
Sự việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước hay đổi quy định liên quan.

“Rất nhiều bất cập xung quanh việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm như: hình thức đấu giá, thời gian tham gia đấu giá, số tiền đặt cọc… Vì vậy, giải pháp tối ưu nhất và hoàn thiện các quy định về đấu giá QSDĐ hiện nay, đặc biệt là việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản phải song song với sửa đổi Luật Đất đai” – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nói.

Các chuyên gia đều cho rằng, riêng trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, cần có cơ sở pháp lý riêng để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức tham gia, đồng thời khắc phục những khoảng trống trong quy định pháp luật hiện hành, trong đó, có quy định điều kiện năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia đấu giá. Để làm được điều đó cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tổ chức tư vấn nước ngoài cùng cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản, nhà nghiên cứu cùng nêu quan điểm, đề xuất để việc huy động nguồn lực từ đất công qua đấu giá quyền sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.