Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảng hàng không Phù Cát quá tải, Bình Định kiến nghị nâng cấp

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát là một trong những nội dung quan trọng mà Bình Định kiến nghị Trung ương sớm triển khai.

Quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thành cảng quốc tế

Sáng 5/2, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết - Phát triển nhanh và bền vững - Đột phá từ biển” được tổ chức.

Hội nghị được tổ chức ở Bình Định vào sáng 5/2.
Hội nghị được tổ chức ở Bình Định vào sáng 5/2.

Tại hội nghị này, Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, quy mô hiện tại Cảng hàng không Phù Cát đã bị quá tải. Nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp hội nghị, sự kiện, lễ, tết…

Hiện tại, Cảng hàng không Phù Cát đang khai thác bao gồm 3 hạng mục chính: Sân đỗ với 7 vị trí đỗ máy bay; nhà ga 2 tầng và đường băng. Trong đó, nhà ga hành khách có năng lực phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm.

“Để tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần quảng bá du lịch tỉnh Bình Định, đề nghị Trung ương cho chủ trương thực hiện nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát vào chương trình hành động và bổ sung quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Trong đó, cho phép tỉnh Bình Định sử dụng nguồn vượt thu hàng năm để đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 và lập đề án xã hội hóa đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga, sân đỗ của sân bay trước năm 2025” - ông Hồ Quốc Dũng kiến nghị.

Cảng hàng không Phù Cát.
Cảng hàng không Phù Cát.

Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định cũng đề nghị Trung ương sớm triển khai đầu tư đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển (trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku) trước năm 2025 nhằm sớm tăng cường khả năng kết nối các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay, địa phương đang đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời gian tới với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9 - 9,5%.

Để đạt mục tiêu đó, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị Trung ương quan tâm, ủng hộ tỉnh thực hiện 2 dự án: Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE và Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn của Tập đoàn Long Sơn.

Phát huy hiệu quả tiềm năng, cơ hội và sự khác biệt

Theo Bí thư tỉnh ủy Bình Định, để sớm cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình.

Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt.

Ưu tiên các nguồn lực để phát triển 5 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Xây dựng Bình Định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Tiếp tục liên kết với các tỉnh trong tiểu vùng Trung Trung bộ, tiểu vùng Nam Trung bộ và đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên để hình thành các tiểu vùng kinh tế, tạo mối liên kết phát triển bổ sung lẫn nhau. Đồng thời, để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế trong vùng, nhất là hành lang kinh tế Đông - Tây nối Bình Định với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế.

Xây dựng dựng Bình Định thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, lịch sử, trọng tâm là xây dựng TP Quy Nhơn hiện đại, mang bản sắc riêng, xứng đáng là Trung tâm văn hóa phía Nam của Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% trong GRDP.