Càng sát Tết Nguyên đán, giá cả thực phẩm càng tăng cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 27 Tết, đi chợ Bồ Đề, Gia Lâm, chị Yến giật mình khi giá cá trắm đen đã lên gần 20.000 đ/kg so với ngày hôm qua. Con cá nặng chừng 5-6kg trước mới chỉ 130.000 đ/kg nay đã bị hét tới 150.000 đ/kg. Tính ra, chỉ một con cá, giá tới cả triệu đồng.

KTĐT - Sáng 27 Tết, đi chợ Bồ Đề, Gia Lâm, chị Yến giật mình khi giá cá trắm đen đã lên gần 20.000 đ/kg so với ngày hôm qua. Con cá nặng chừng 5-6kg trước mới chỉ 130.000 đ/kg nay đã bị hét tới 150.000 đ/kg. Tính ra, chỉ một con cá, giá tới cả triệu đồng.

Dù siêu thị có vẻ thắng thế trong cơn lũ mua sắm cuối năm nhưng thị trường thực phẩm tươi sống là câu chuyện riêng của chợ. Giá thịt gà, thịt bò, tôm cá, rau quả, đồ khô… là thời sự được cập nhật liên tục với tốc độ chóng mặt theo ngày, thậm chí theo từng giờ.

Các tiểu thương cho biết, giá cả sẽ còn leo thang ít nhất 2-3 ngày nữa mới chạm đỉnh.

1 triệu đồng/con cá


Ảnh minh họa
Cá trắm đen gần 1 triệu đ/con vẫn hết hàng. (Ảnh: Phan Hùng)

Sáng 27 Tết, đi chợ Bồ Đề, Gia Lâm, chị Yến giật mình khi giá cá trắm đen đã lên gần 20.000 đ/kg so với ngày hôm qua. Con cá nặng chừng 5-6kg trước mới chỉ 130.000 đ/kg nay đã bị hét tới 150.000 đ/kg. Tính ra, chỉ một con cá, giá tới cả triệu đồng.

Vậy mà trong lúc chị Yến ngần ngừ, sạp cá đã bị mua vãn hết cá lớn. Chỉ còn những con cá nhỏ hơn cỡ 3kg nhưng giá cũng hơn 130.000 đ/kg.

Chị bán cá cười tươi như hoa bảo chỉ lo không đủ cá to để bán chứ 1 triệu đồng hay hơn nữa vẫn chẳng thiếu người mua.

Tại các chợ chuyên đồ thủy, hải sản tươi sống như chợ Hôm, chợ Thành Công… không khí mua bán cũng vô cùng sôi động.

“Đắt như tôm tươi” chính là thời sự giá tôm ngày Tết. Tăng kinh hoàng nhất là tôm sú, hiện ở mức 230.000–250.000 đ/kg tùy chợ. Trong khi mới tuần trước, tôm sú dao động quanh mức 130.000-50.000 đ/kg. Như vậy, giá tôm đã leo thang tới gần 100.000 đ/kg chỉ trong có vài ngày.

Giá cua, ghẹ, mực, sò, ngao… cũng lên vù vù. Cho đến ngày 27 Tết, giá cua xấp xỉ 300.000 đ/kg, mực, mực to dày mình khoảng 150.000-170.000 đ/kg…

Tuy giá lên chóng mặt nhưng các sạp bán thủy, hải sản trong chợ Thành Công, chợ Hôm vẫn tấp nập cân đong và đóng thùng xốp giữ lạnh. Chị Hà, một tiểu thương cho biết, các loại tôm, cua to năm nào cũng cháy hàng vì ngoài mua để tiêu dùng, hải sản tươi luôn được coi là món thực phẩm xa xỉ để đi biếu hoặc chuyển lên các tỉnh trên mạn ngược.

Chỉ hai ngày đầu tuần, chị không nhớ đã đóng bao nhiêu thùng đá cho khách, mỗi thùng ít nhất cũng chứa từ 2-5kg.

Theo nhận định của các tiểu thương, năm nay thời tiết có vẻ oi bức, lại thêm tâm lý ngán thịt nên tiêu thụ tôm cá sẽ còn tăng mạnh.

Sẽ còn tăng thêm vài giá nữa cho đến chiều 30 Tết mới dừng”, một chị chủ quầy tại chợ Thành Công nhận định.

Giá thịt vẫn leo thang

Ảnh minh họa
Cung thịt dồi dào nhưng vẫn đội giá 10-20%. (Ảnh: Phan Hùng)

Ngán thịt nhưng gà, lợn, bò là những món chẳng thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Vì thế, giá thịt tươi sống vẫn tăng đều đặn từng ngày bất chấp nguồn cung ê hề.

Dự đoán trước, gà ta sẽ lên mạnh do nhà nào cũng phải có con gà cúng Tết nên các bà nội trợ hầu hết đều đặt trước cả tuần. Chị Thúy, một tiểu thương bán gà tại chợ Thổ Quan cho hay tuy là chợ nhỏ nhưng năm nay số gà đặt trước của chị cũng lên tới gần trăm con.

Dù đặt trước, nhưng giá gà không vì thế mà "bình ổn”. Đầu tuần trước, giá gà lông chỉ ở mức 75.000 đ/kg, giữa tuần lên 80.000 đ/kg, tới đầu tuần này đã vọt lên 90.000-95.000 đ/kg. Gà ta làm sẵn cũng tăng từ 140.000 đồng/kg lên 160.000–170.000 đồng/kg.

Ngược với gà ta, gà công nghiệp chỉ nhích nhẹ từ 50.000 đ/kg lên 55.000–60.000 đ/kg. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, trong hai ngày tới, giá gà công nghiệp cũng sẽ tăng thêm 10-20% do sức mua sẽ còn tăng mạnh.

Lên nhanh không kém thịt gà là thịt bò. 3-4 ngày trước Tết bao giờ cũng là thời điểm thịt bò bắt đầu hút hàng. Chính vì thế, giá thịt bò hiện được cập nhật theo từng ngày.

Đầu tuần, giá bò bắp chỉ quanh mức 130.000-135.000 đ/kg nhưng đến hôm nay đã lên 145.000-150.000 đ/kg. Thăn bò loại ngon đã tăng từ 140.000 đ/kg lên 160.000 đ/kg.

Theo chị Tuyết chủ sạp thịt bò tại chợ Tân Mai, trong hai ngày tới, giá thịt bò thăn sẽ còn lên nữa, có thể đến 180.000-190.000 đ/kg.

Luôn thường trực trong các mâm cơm ngày Tết là thịt lợn. Dù không “hot”, sức mua không tăng mạnh, nguồn cung lại dồi dào nhưng giá thịt lợn vẫn tăng theo thị trường từ 10-15%. Tại các chợ, giá lợn thăn dao động quanh mức 75.000-80.000 đ/kg, nạc mông khoảng 65.000 đ/kg, chân giò lên 70.000 đ/kg… 

Như vậy, các loại thịt đều lên trung bình 10.000 đ/kg so với ngày thường. Tuy nhiên, do nguồn cung ê hề nên các chủ quầy thịt dự báo, khác với các thực phẩm khác, giá thịt lợn đã gần đến đỉnh, trong vài ngày tới chỉ nhích nhẹ vài giá. Chỉ duy nhất, thịt chân giò còn có khả năng tăng cao do chân giò cũng là món được nhiều nhà chọn cúng trong mâm cỗ tất niên.

Rau xanh, đồ khô đội giá

Ảnh minh họa

Đến rằm tháng giêng, rau xanh sẽ tăng giá gấp đôi hiện nay. (Ảnh: Phan Hùng)

Năm nào cũng vậy giá rau xanh luôn là nỗi lo phấp phỏng của các bà nội trợ do rau xanh phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Một tháng trước tết, giá rau xanh đã liên tục lên giá từ 500–1.000 đ/mớ/lần. Tuy nhiên, 1 tuần trở lại đây giá rau bắt đầu tăng tốc mạnh hơn dù các chủ vườn đều cho biết năm nay rau được mùa, nguồn cung thoải mái.

 “Kinh hoàng” nhất là giá rau muống. Trước đó, rau muống chỉ 4.000 đ/mớ nay đã lên 7.000–8.000 đ/mớ, súp lơ từ 4000-5000 đ/cây to nay đã gấp đôi thành 10.000 đ/cây, su hào từ 4.000 đ/củ lên 6.000-8.000 đ/củ. Các loại cà chua, cải ngọt, bắp cải, cải xoong, cải cúc… đều tăng 2.000-5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất là tốc độ tăng giá của các loại rau gia vị như hành, mùi, thơm, húng, mùi tàu, tía tô, kinh giới, xà lách… Tại chợ Tân Mai, giá xà lách lên từ 1.500 đ/lạng lên 2.500 đ, rau mùi từ 500 đ lên 1.500 đ/mớ, húng, kinh giới, hành… cũng tăng ít nhất 500đ/lạng.

Chị Vân, bán rau tại chợ Thành Công cho biết, dù lên vài nghìn nhưng đấy mới là tăng “khởi động” thế thôi vì thời tiết nắng nóng, rau củ lại khó tích trữ nên sức mua chưa mạnh. “2 ngày nữa, rau sẽ lên ít nhất 2-3 giá nữa”, chị này cho biết.

Nhưng khác với tôm cá, thịt, đỉnh cao đột biến về giá của rau không phải chiều 30 Tết mà là rằm tháng giêng. Sở Nông nghiệp Hà Nội dự báo, giá rau từ giờ tới Tết Nguyên Đán được dự báo sẽ tăng khoảng 30%, tới rằm tháng giêng, giá rau có thể gấp đôi thời điểm hiện tại.

Bên cạnh rau tươi, các mặt hàng đồ khô như nấm hương, mộc nhĩ, miến, măng… cũng đang được tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, giá các mặt hàng này không có sự đột biến do đã tăng… đón đầu trước đó khoảng 2 tháng. So với năm ngoái, giá đồ khô tăng từ 30-50%, thậm chí nấm hương tăng gấp đôi từ 100.000 đ/kg lên 200.000 đ/kg.

Các chủ quầy đồ khô cho biết do đã đội giá “đến ngưỡng” nên từ nay đến Tết, giá đồ khô ổn định, nếu có tăng chỉ nhích nhẹ ở những mặt hàng bán chạy như măng khô hay miến.

Nhìn chung dù chỉ còn 3 ngày nữa là tới Tết nhưng giá cả tại thời điểm này vẫn chưa phải giá cuối. “29-30 Tết chắc chắn sẽ còn một đợt tăng giá nữa vì khi đó người dân được nghỉ mới đi chợ nhiều”, các tiểu thương nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần