Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dự kiến hội đàm trực tuyến vào ngày 7/12 tới, trong đó đề cập tới căng thẳng tại Ukraine, thông tin được chính quyền hai nước mới xác nhận.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, ông Biden sẽ đề cập tới quan ngại về các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới Ukraine, cũng như tái khẳng định hỗ trợ của Mỹ trong vấn đề chủ quyền của Kiev.
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra các vấn đề khác hai nhà lãnh đạo dự kiến bàn thảo bao gồm “ổn định chiến lược, các vấn đề khu vực và không gian mạng”, cũng như mối quan hệ song phương và việc triển khai các thỏa thuận đạt được tại hội nghị Geneva hồi tháng 6, theo Điện Kremlin tuyên bố hôm 4/12.
Tuy nhiên thời điểm chính xác của cuộc hội đàm trực tuyến chưa được tiết lộ.
Gỡ ngòi điểm nóng căng thẳng?
Vấn đề quân sự gần biên giới Ukraine đã nóng lên thời gian gần đây, được coi là một trong những điểm nóng trong căng thẳng Nga-Mỹ.Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov quyết định không dự họp báo chung sau cuộc hội đàm 40 phút căng thẳng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OSCE).
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken lặp lại lời cảnh báo của Mỹ về những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hành động khiêu khích quân sự của Nga nhằm vào Ukraine, trong đó có các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt.
Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, ông và người đồng cấp Lavrov sẽ báo cáo chi tiết cuộc họp cho Tổng thống Biden và Tổng thống Putin để hai nhà lãnh đạo có thể đề cập trong hội đàm trực tiếp.
Theo Reuters, hiện có hơn 94,000 quân nhân Nga gần khu vực biên giới Ukraine. Hôm 3/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov dẫn các nguồn tình báo khẳng định, Moscow có thể đang chuẩn bị một chiến lược tấn công quân sự quy mô lớn cho tới cuối tháng 1.
Mặt khác, ông Biden cho biết, sẽ có một cuộc bàn thảo “dài” với người đồng cấp Nga và tuyên bố không chấp nhận “lằn ranh đỏ của bất cứ ai”. Tổng thống Mỹ và các cố vấn đang chuẩn bị một loạt sáng kiến toàn diện nhằm ngăn chặn sự xâm lược từ Nga và hợp tác với các đồng minh châu Âu để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Về phần Moscow cáo buộc Kiev đang xây dựng đội quân đội riêng, đồng thời bác bỏ các thông tin về việc tấn công Ukraine. Quan hệ Nga-Mỹ đã xuống dốc trong thời gian qua, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 từ Ukraine, can thiệp quân sự tại Syria vào năm 2015 và xuất hiện các cáo buộc tình báo rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Căng thẳng giữa Moscow và Washington ngày càng có diễn biến bới trong những tháng gần đây.
Chính quyền Biden đã yêu cầu Moscow truy quét các cuộc tấn công mã độc và tội phạm mạng xuất phát từ Nga, và vào tháng 11 đã buộc tội một công dân Ukraine và một người Nga trong một trong những vụ tấn công mã độc tồi tệ nhất nhằm vào các mục tiêu của Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc gặp trực tiếp kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1 và có cuộc hội đàm tại Geneva vào tháng 6. Lần gần nhất hai bên điện đàm là vào ngày 9/7 vừa qua.