Căng thẳng chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh minh họa.

Sáng nay (5/8), Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016. 

Kết thúc buổi buổi họp, phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 vẫn chưa được thống nhất bởi bên đại diện cho người lao động (Liên đoàn Lao động Việt Nam) và bên sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) đưa ra mức tăng vênh nhau rất lớn.
Ảnh minh họa.
Kinhtedothi - Ảnh minh họa.
Trao đổi với báo chí trong giờ nghỉ giải lao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, Liên đoàn đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 phải đạt 16% trở lên, tuy nhiên VCCI chỉ đề xuất mức tăng 6-7%. 

Theo ông Mai Đức Chính, hiện lương tối thiểu của người lao động mới đáp ứng được hơn 75% đời sống tối thiểu của họ. Do vậy, Liên đoàn kiên định đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm nay là 550.000 đồng/ người/ tháng (vùng 1) so với năm 2015 và 310.000 đồng/ người/ tháng (vùng 4). Như thế đến năm 2016 lương tối thiểu sẽ đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động và đến năm 2017 tăng thêm 11% còn lại là đáp ứng 100%.

Cùng quan điểm với ông Mai Đức Chính, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn TS Vũ Quang Thọ cho rằng, năm nay GDP tăng trưởng cao hơn, kinh tế phục hồi mạnh nên không thể đưa ra lý do để trì hoãn việc tăng lương cho người lao động.

Theo ông Quang Thọ, trong cuộc họp bên đại diện cho người lao động và bên sử dụng lao động tranh luận rất quyết liệt. Bộ LĐTBXH đang cố gắng dung hòa bằng một phương án đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cả hai. Bộ LĐTBXH đang gợi ý phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 ở mức 15% so với năm 2015 (năm 2015 tăng 14,3% so với 2014). 

Cũng trong sáng nay, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đưa ra ý kiến, việc tăng lương tối thiểu là nhu cầu chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, nó phải hội đủ các yếu tố như: DN phải có khả năng chi trả, chỉ số giá tiêu dùng CPI, sự tồn tại của DN. 

“Qua khảo sát thực tế từ DN, nhiều đơn vị đang rất khó khăn, có đến 70% kinh doanh không có lãi. Vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Cho nên họ đồng ý về chủ trương tăng lương nhưng cần phải có lộ trình”- ông Phòng thông tin.

Và, quan điểm của VCCI, tăng lương tối thiểu vùng 2016 phù hợp là từ 6-7%. Mức tăng 10% chỉ là dự báo ban đầu, còn mức này là hội đủ thông tin trên cơ sở phân tích của các bộ phận kỹ thuật và các phản hồi thực tế của doanh nghiệp. 

Trả lời báo chí về việc mức đề xuất tăng lương tối thiểu của VCCI rất chênh so với mức đề xuất của Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Phòng cho rằng VCCI sẽ cố gắng đàm phán để đảm bảo được mức phù hợp, đảm bảo được yêu cầu của tăng lương tối thiểu và đảm bảo được sự phát triển của DN.