Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng đàm phán tiền lương

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên họp lần hai của Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTL) ngày 28/7 diễn ra hết sức căng thẳng, mỗi bên đều bảo vệ quan điểm của mình, dẫn đến chưa có con số chốt thống nhất cuối cùng.

Thậm chí phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng liên đoàn) - đại diện người lao động (NLĐ) còn đề nghị dừng cuộc họp.

 Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng

Trong khi Tổng Liên đoàn giảm mức đề xuất từ 13,3% xuống còn 10% thì phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện giới chủ sử dụng lao động chỉ đề nghị tăng 5%. Trao đổi với báo chí ngay khi phiên họp kết thúc, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, với mức tăng này, NLĐ không bị mất việc còn DN có điều kiện phát triển.

Ông đánh giá thế nào về mức lương tối thiểu (MLTT) tiệm cận mức sống tối thiểu (MSTT)?

- Theo các chuyên gia đánh giá, lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Thực tế, theo quan điểm của giới sử dụng lao động, MLTT chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, nhưng ít nhất còn có để duy trì lao động. Nếu MLTT hiện tại đang tiệm cận mức lương trung bình, dư địa của đàm phán trực tiếp là để làm sao người sử dụng lao động có thể thêm mức thu nhập cho NLĐ. Ví dụ: Lương thưởng, kỷ luật lao động tốt, sáng kiến phát hiện…

Nếu MLTT cao quá thì dự địa đó sẽ không còn. Điều này cũng là bất cập với DN bởi họ cũng mong muốn có sự phát triển ổn định để bảo vệ được lực lượng lao động vốn có. Vì nâng MLTT quá cao, DN sẽ tính đến chuyện cơ cấu lại. Việc này dẫn đến sẽ có một bộ phận NLĐ đang có việc làm sẽ bổ sung vào đội quân mất việc, nảy sinh vấn đề xã hội khác. Các yếu tố quyết định đến tăng MLTT là năng suất lao động, chất lượng việc làm, chỉ số CPI, khả năng chi trả phù hợp với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Chúng ta khoả lấp được tất cả các yếu tố này thì quyết định tăng lương tối thiểu mới dễ dàng. Thực tế, mặc dù hoạt động của DN có khởi sắc chút ít, nhưng đa phần vẫn còn khó khăn. Đặc biệt là những DN sử dụng nhiều lao động như dệt may gia giày, thủy hải sản, điện tử… chịu sự tác động rất lớn của lương tối thiểu vùng.

Tại phiên họp, Tổng Liên đoàn đề xuất mức tăng 10% để tiệm cận MSTT?

- Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của Tổng Liên đoàn là MLTT hiện nay chưa đáp ứng được MSTT. Đây cũng có thể coi là sự phấn đấu và DN cũng mong muốn sẽ cố gắng để có được khả năng chi trả cao hơn, đáp ứng được nhu cầu MLTT của NLĐ. Tuy nhiên, mức phấn đấu như tôi nêu để DN cần có sự điều chỉnh, cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng lực quản trị và đặc biệt là nâng cấp năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.

Tại phiên họp này, VCCI đề nghị mức tăng là bao nhiêu?

- Tổng Liên đoàn đề nghị 10% nhưng cũng có ý kiến thành viên của họ đề xuất 8%. HĐTL đang cân nhắc. Hiện người sử dụng lao động đang trao đổi thống nhất thay đổi quan điểm và mong muốn có điều chỉnh cho phù hợp, nâng lên ở mức 5%. Trên cơ sở hai bên còn có khác biệt nên HĐTL quyết định dừng để các bên về trao đổi tiếp để có được phương án tối ưu trong phiên họp tới.

Phương án tối ưu của người sử dụng lao động phù hợp với cả xã hội là bao nhiêu %, thưa ông?

- HĐTL chúng tôi sẽ quyết định trong thời gian tới. Chúng tôi cũng phải trao đổi thêm với thành viên trong hội đồng và cân nhắc các yếu tố khác. Có thể phải tiến hành một cuộc khảo sát nhanh để có được nhiều thông tin, từ đó đưa ra quyết định phù hợp, đáp ứng được ý nguyện chung của HĐTL.

Nếu tăng MLTT như năm ngoái 7,3% thì DN sẽ tăng chi phí lên bao nhiêu?

- Chắc chắn MLTT tăng như mức tôi vừa nêu DN sẽ phải bù thêm chi phí. Như vậy, buộc DN cơ cấu lại sản xuất, lao động. Một bộ phận lao động đang có việc làm, có thể sẽ trở thành người thất nghiệp. Đây chính là hệ luỵ liên quan đến xã hội. Cho nên chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Làm sao chúng ta điều chỉnh ở mức nào đó mà DN vẫn phát triển được. NLĐ cùng với chủ sử dụng lao động cùng trên một con thuyền phấn đấu vì sự phát triển của DN. DN phát triển bền vững để đạt mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, năng lực chi trả của DN đáp ứng được yêu cầu của DN.

Xin cảm ơn ông!

Chủ tịch HĐTL quốc gia Doãn Mậu Diệp: Các bên tiếp tục trao đổi để thống nhất một phương án

Tại phiên họp này, các thành viên trong HĐTL, đặc biệt là từ phía người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) đã rất thiện chí trong đối thoại, thương lượng để tiến tới MLTT của năm 2018. Cũng bởi vậy, khoảng cách mức đề xuất của hai bên đưa ra thu hẹp rất nhiều. Trong khi phiên họp lần trước, chênh lệch nhau trên 8% giữa phương án cao nhất của NLĐ và người sử dụng lao động đưa ra. Thì đến nay, khoảng cách thu hẹp, chênh lệch chỉ còn 1/3. Tôi nghĩ, với thiện chí của hai bên, cân nhắc của lợi ích quốc gia và cân nhắc của NLĐ, khả năng chi trả và cạnh tranh của DN và các thành viên đại diện cho các phía hết sức trách nhiệm và hiện nay chỉ còn hai phương án đưa ra xem xét. Trong thời gian một tuần, VCCI và Tổng Lên đoàn có thể có tiếp xúc, thống nhất phương án cuối cùng.
Thành viên HĐTL quốc gia Vũ Quang Thọ: Chúng tôi kiến nghị hai vấn đề lớn

Đầu tiên, Tổng liên đoàn đề nghị tăng MLTT 13,3% nhưng trong phiên họp ngày 28/7, sau khi xem xét các khía cạnh chúng tôi có ý rút xuống còn khoảng 10%. Thế nhưng, bên hiệp hội DN đưa ra những con số có khoảng cách khá xa so với Tổng Liên đoàn, nên chúng tôi đề nghị ngừng cuộc họp và được HĐTL đồng ý. Dự kiến phiên họp lần tới sẽ diễn ra vào ngày 7 hoặc 8/8.

Sở dĩ xin ngừng phiên họp vì chúng tôi không chấp nhận mức tăng 5% của VCCI. 5% chỉ đủ để bù trượt giá chứ chưa có phần của công nhân đạt được để tăng trưởng GDP, và càng không thể giảm bớt giãn cách TLTT và MSTT.

Để phiên họp TLTT lần tới có sự thống nhất và chốt về con số, chúng tôi có hai kiến nghị lớn. Thứ nhất, phải có cơ quan khách quan, khoa học, vô tư khảo sát để đưa ra con số về MSTT. Chúng tôi đề nghị Tổng cục Thống kê trực thuộc Chính phủ đưa ra con số này. Thứ hai, phải thống nhất được quan điểm đề xuất để đi đến được cái chung thống nhất về TLTT và MSTT, thay vì mỗi năm lại đưa ra ý kiến thì người ta gọi đó là cuộc rượt đuổi không có giới hạn. Trong trường hợp phiên họp tới, mức đề xuất được đưa ra 7,3% bằng năm ngoái, chúng tôi không chấp nhận.

TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu an sinh xã hội: Mức tăng bằng năm ngoái là phù hợp

Hiện nay, căn cứ để nâng lương tối thiểu chỉ dựa vào một phía rất khó thoả thuận và thống nhất. Phía công đoàn dựa vào mục tiêu đạt được MSTT vào năm 2018 và thực tế điều tra lương của NLĐ rất thấp và không đủ sống. Trong khi đó, VCCI dựa vào khả năng chi trả của DN. Mà DN sợ nhất là đóng bảo hiểm bởi nó dựa trên cơ sở tiền lương. Nếu tăng lương cơ bản nhưng DN giảm lương phần mềm thì tổng thu nhập của NLĐ cơ bản không tăng lên mấy. Còn Chính phủ tăng MLTT dựa trên mục tiêu đảm bảo tiền lương tối thiểu đảm bảo MSTT mà đề án tiền lương đề ra vào năm 2018. Thứ nữa là dựa vào tốc độ tăng GDP, dự kiến năm nay 6,7% và đảm bảo bù trượt giá. Ba bên đàm phán về tăng lương dựa vào 3 cơ sở, có cái trùng nhau và đối nghịch. Quan điểm của tôi là phải tăng lương tối thiểu nhưng ở mức độ nào đó cho nó phù hợp với cái chung. Nhưng cái rất quan trọng trong thời điểm hiện nay là vẫn phải đảm bảo cho kinh tế phát triển. Muốn kinh tế phát triển thì vấn đề quan trọng nhất là phát triển DN. Trong đó, hiện nay là DN vừa nhỏ và dệt may, giày da đang gặp khó khăn nhất. Do đó, tốc độ tăng lương tối thiểu như năm ngoái là phù hợp, còn 8% là cố gắng của DN. Mức 5% VCCI đề nghị thì hơi thấp chỉ bù được trượt giá 4% và năng suất lao động 1%.

(Trần Oanh ghi)