Chiêu trò... việc nhẹ, lương cao
Đây là cách thức lừa đảo rất quen thuộc nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ. Những ngày cận Tết, không khó để tìm được những trang đăng thông tin tuyển dụng, làm việc tại nhà, mức lương cao nhưng không cần kinh nghiệm.
Đơn cử như việc xem, like video trên tiktok có thể kiếm 500 nghìn đồng/ngày. Nhiều người nghĩ việc này quá đơn giản nhưng không hẳn thế. Đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, đơn giản, nhiều kẻ gian đã lợi dụng việc này để kiếm những món tiền không nhỏ.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Dung - sinh viên năm nhất một trường đại học tại Hà Nội: “Vào thời gian rảnh em hay lướt web, tình cờ em đọc được thông tin chỉ cần xem video trên tiktok có thể kiếm tiền, tưởng mình may mắn, em nghĩ mình có thể giảm gánh nặng cho bố mẹ. Sau khi đồng ý với việc xem, like kiếm tiền, em được hướng dẫn làm nhiệm vụ xem video TikTok bằng cách tải một app, website trung gian. Tại đây, đưa ra các gói nhiệm vụ được đặt tên theo cấp độ như vàng, bạc, đồng, kim cương hoặc vip 1, vip 2, vip 3... tương ứng với các mức giá từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng.
"Thời gian đầu tham gia sau khi hoàn thành nhiệm vụ em cũng nhận được mức tiền nhỏ, nhưng muốn nhận được nhiều tiền hơn thì phải thực hiện gói nhiệm vụ lớn với mức giá cao hơn. Càng làm càng ham, em đã đi vay bạn bè rồi vay nóng để làm nhiệm vụ. Tự nhiên hệ thống báo lỗi nên em làm xong nhiệm vụ mà không rút được tiền vậy là giờ em mất hết, em không biết nói với gia đình thế nào”, Nguyễn Dung kể lại.
Bên cạnh các đối tượng là sinh viên, thì mục tiêu của các đối tượng lừa đaỏ hướng tới còn là phụ nữ nội trợ, không có thu nhập ổn định.
Vào thời điểm cuối năm khi Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, trên một số trang thông tin còn đăng tải tin quảng cáo cần tuyển người gấp bao lì xì tại nhà.
Qua kết bạn Zalo, chị Minh Thuỳ (Cầu Giấy) tin vào lời mời chào công việc nhẹ nhàng, không cần kinh nghiệm, chăm chỉ thì mỗi ngày cũng có khoảng 200- 400 nghìn đồng. Với suy nghĩ ngoài làm việc nhà một tháng làm thêm chị sẽ kiếm được khoảng 10 triệu đồng, nên chị không do dự mà đăng ký luôn.
“Bên tuyển dụng yêu cầu tôi phải chuyển khoản 500 nghìn đồng tiền mua nguyên liệu ban đầu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ tới việc nhanh chóng kiếm được tiền nên chẳng suy nghĩ mà chuyển tiền luôn. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì tôi không hề nhận được nguyên liệu cũng như không thể liên lạc được với bên đó, trang zalo cũng biến mất như chưa từng tồn tại”, chị Minh Thuỳ chia sẻ.
Theo ông Nhật Hoàng - Trưởng phòng tuyển dụng một công ty tại Hà Nội, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc, nhiều lao động bị cắt giảm công việc, đây chính là thời cơ để đối tượng lừa đảo ra tay.
“Cái đối tượng đưa thông tin tuyển dụng lừa đảo lên mạng xã hội, đó là các thông tin chung chung, không rõ ràng chỉ có số điện thoại hoặc liên hệ qua mạng xã hội. Hầu hết các thông tin tuyển dụng trên mạng phải đóng tiền, không có cam kết, ràng buộc hợp đồng giữ người lao động và nhà tuyển dụng. Ngồi một chỗ kiếm “việc nhẹ, lương cao” không bao giờ có. Người lao động cần cảnh giác, đặc biệt vào thời điểm gần Tết”, ông Nhật Hoàng cho biết.
Đồng thời, ông Nhật Hoàng khuyến cáo, muốn tìm việc làm thêm, người lao động cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến nhà tuyển dụng, vị trí, chế độ, quyền lợi, cách thức ký hợp đồng, chi trả lương… Tất cả điều khoản đưa ra phải đảm bảo theo đúng luật Lao động”.
Thủ đoạn lừa đảo qua giao dịch với ngân hàng
Ngoài đánh vào tâm lý người muốn tìm “Việc nhẹ, Lương cao”, còn một số hình thức lừa đảo như giả mạo thương hiệu các tổ chức ngân hàng, cơ quan nhà nước... gửi tin nhắn SMS lừa đảo không còn xa lạ với hình thức ngày càng tinh vi.
Tình trạng đối tượng xấu dùng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản. Đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản.
Nhiều đối tượng lừa đảo còn lấy được thông tin của người thân nạn nhân gọi điện đe dọa (chúng thường gọi cho người nhà nạn nhân, những người lớn tuổi)với những lý do như: chị A vừa gây tai nạn tại địa chỉ..., cần chuyển tiền gấp thì mới xử lý được... khiến bố mẹ nạn nhân lo lắng, tâm lý hoảng loạn để chuyển tiền vào một tài khoản lừa đảo.
Bên cạnh đó, kẻ xấu còn có thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản; giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân; lập sàn đầu tư tiền ảo, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Đặc biệt, việc giả mạo đầu số tin nhắn SMS ngân hàng gửi tin nhắn có nội dung thông báo về dịch vụ, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn (link) giảo mạo gần giống với website của ngân hàng; hoặc mạo danh ngân hàng để cho vay tiền online, mời rút tiền từ thẻ tín dụng đang diễn ra ngày càng thường xuyên. Nếu không cảnh giác người dùng có thể bị lừa mà không hay biết.
Chuyên gia bảo mật từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) Ngô Minh Hiếu khuyến cáo, người dùng tuyệt đối không nhấn, truy cập vào các đường dẫn lạ cũng như không cung cấp thông tin danh tính, giấy tờ quan trọng, số điện thoại, tài khoản ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào.
“Phương thức của đối tượng lừa đảo là thường dẫn dụ nạn nhân thông qua các trang mạng xã hội, tin nhắn, zalo, nhân viên ngân hàng… làm công cụ. Đặc biệt, lợi dụng tình hình lễ Tết sắp tới, tâm lý người dân cần tiền để mua sắm, đối tượng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc nâng cấp thẻ tín dụng.
Sau khi được nạn nhân đồng ý, đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho nạn nhân một đường link để cung cấp thông tin cá nhân như: Căn cước công dân (CCCD), thông tin thẻ, ảnh chụp mặt trước mặt sau của thẻ ngân hàng… Khi lấy hết đầy đủ thông tin, từ hình ảnh CCCD và thẻ, đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử Tiki, Shoppee, Lazada,... Sau đó cố gắng tìm mọi cách rút hết số tiền trong thẻ. Nhiều trường hợp ghi nhận, nạn nhân có những người đã mất từ vài chục đến vài trăm triệu đồng” - ông Ngô Minh Hiếu cho hay.
"Khi có vấn đề nên gọi ngay cho ngân hàng nơi bạn đang sử dụng dịch vụ, đồng thời báo tới cơ quan chức năng về các trường hợp nghi vấn lừa đảo", chuyên gia của NCSC nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đều khẳng định tuyệt đối không gửi tin nhắn nào có gắn đường link yêu cầu khách hàng cung cấp hay nhập tên đăng nhập và mật khẩu Internet Banking, mã xác thực OTP,... Các tin nhắn giả mạo thường kèm đường link lạ không dẫn đến các địa chỉ chính thức của ngân hàng, do vậy khách hàng tuyệt đối không truy cập để tránh bị mất thông tin tài khoản, thiệt hại tài sản.
Khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra tin nhắn SMS nhận được có phải của ngân hàng gửi hay không bằng cách: sao chép tin nhắn BrandName đang nghi là giả mạo; gửi tin nhắn đã sao chép đến đầu số của nhà mạng để kiểm tra: 9548 (mạng Viettel), 9241 (mạng Mobifone), 1551 (mạng Vinaphone). Sau khi gửi tin, nhà mạng sẽ phản hồi cho biết tin nhắn đó có phải giả mạo hay không.
Như vậy, mỗi người cần phải cẩn trọng với các thông tin trên mạng cũng như các thông tin gửi về điện thoại, phải kiểm chứng tránh để rơi vào tình trạng mất tài sản không đáng có.