Cảnh báo đa cực hóa tiền tệ quốc tế

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái xích lại của Nga và Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều quan ngại mới ở Washington. Đó không dừng lại ở những nỗ lực liên thủ ngoại giao của hai cường quốc trong những vấn đề nổi cộm như Ukraine mà còn một kịch bản khác – sự đa cực hóa tiền tệ

 Tuyên bố đáng chú ý

Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết sử dụng đồng Nhân dân tệ cho “các khoản thanh toán giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh”, nhằm thay thế đồng bạc xanh. Động thái được nhấn mạnh trong bối cảnh Moscow đang gia tăng việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại ngày càng lớn với Trung Quốc và đưa đồng tiền mạnh này vào quỹ dự trữ của ngân hàng T.Ư, để giảm mức độ tiếp xúc với các tài sản từ Mỹ.

Điều này có quan trọng không? Cho đến gần đây, hầu hết các nhà kinh tế học phương Tây sẽ nói không. Xét cho cùng, từ lâu bản chất khép kín của các tài khoản vốn của Trung Quốc vẫn bị coi là một trở ngại đối với việc sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, cảnh báo của ông Putin vào thời điểm này không chỉ mang tính hăm dọa. Nhìn vào bối cảnh một loạt ngân hàng tại Mỹ sụp đổ hoặc bên bờ sụp đổ trong đầu năm nay, có lo ngại gia tăng về khủng hoảng nhà băng Mỹ. Lạm phát và cuộc chiến trần nợ cũng khiến các tài sản dựa trên đồng đô la trở nên kém hấp dẫn hơn. Nhà kinh tế Peter Schiff đã lặp lại quan điểm phổ biến rộng rãi ở cánh hữu Mỹ: “Đồng đô la đang bị hạ giá để tài trợ cho các gói cứu trợ ngân hàng”.

 

Hiện nay, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mà Nga và Trung Quốc là thành viên, đang thúc đẩy việc cho ra đời một loại tiền dự trữ riêng của 5 nước thành viên, có thể dựa trên vàng và các hàng hóa khác nhưng không phải đồng USD. Dự án này được gọi là R5, cho phép các nước dần tiến hành hoạt động thương mại song phương mà không cần sử dụng đồng USD và cũng làm giảm tỷ lệ dự trữ USD quốc tế.

Bất chấp xu hướng phi USD hóa hiện nay, giới phân tích vẫn tin tưởng đồng tiền của Mỹ không dễ dàng mất đi vị trí thống trị của mình. Vị thế vững chắc của đồng USD đã được chứng minh sau các sự cố tài chính toàn cầu như hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào thập niên 1970, hay sự ra đời của đồng euro năm 1999 và sau đó là khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. 60% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng T.Ư trên thế giới hiện nay duy trì bằng USD chính là một minh chứng.

Trong khi đó, Jim O'Neill - cựu chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, đề cập tới " BRICS" (viết tắt của khối Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã xuất bản một bài báo trong tuần này lập luận rằng "đồng đô la đóng một vai trò quá lớn trong tài chính toàn cầu” và kêu gọi các thị trường mới nổi cắt giảm rủi ro.

Nhưng một yếu tố khác gây ra sự bất an là ngay cả trước chuyến thăm của ông Tập tới Moscow, là Chính phủ Ả Rập Xê Út đã thông báo rằng sẽ bắt đầu xuất hóa đơn một số loại dầu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Một cách riêng biệt, Pháp vừa thực hiện đợt bán khí tự nhiên lỏng đầu tiên bằng Nhân dân tệ và Brazil đã sử dụng đồng tiền này cho một số giao dịch thương mại với Trung Quốc.

Vị thế đồng bạc xanh có thực sự bị đe dọa?

Tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng đô la đã giảm từ 72% năm 1999 xuống còn 59%, khi các ngân hàng T.Ư ngày càng đa dạng hóa các quỹ đầu tư và từ bỏ việc neo tỷ giá tiền tệ. Đồng thời, sự ra đời của các loại tiền kỹ thuật số ngân hàng T.Ư (ngân hàng với ngân hàng) về mặt lý thuyết có thể đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa này bằng cách giúp các ngân hàng T.Ư ngoài nước Mỹ giao dịch trực tiếp với nhau bằng đồng tiền của mình dễ dàng hơn.

Tuy vậy, đồng bạc xanh vẫn thống trị thị trường nợ và khối lượng được giữ ở nước ngoài đã tăng vọt trong thế kỷ qua. Một chi tiết đáng chú ý và bị bỏ qua về tình trạng hỗn loạn trong tháng này là đồng tiền này đã duy trì được “sức mạnh gần như kỷ lục so với G10 và các loại tiền tệ của thị trường mới nổi”, như Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế, nhận định gần đây.

Nhiều nhà đầu tư toàn cầu muốn nắm lấy đồng bạc xanh trong cuộc khủng hoảng gần đây đến nỗi Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra chương trình hoán đổi hàng ngày với các ngân hàng T.Ư khác. David Beckworth - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mercatus của Đại học George Mason dự đoán: “Trớ trêu thay, việc tăng cường sử dụng các đường hoán đổi đô la này sẽ củng cố hơn nữa hệ thống đô la toàn cầu và các hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ”.

Hay nói cách khác, đồng bạc xanh có thể không xứng đáng giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc cạnh tranh nào hiện nay, do các vấn đề tài chính đang gây khó khăn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn coi đó là lựa chọn ít “đỡ rủi ro” nhất trong nền kinh tế toàn cầu nhiều rủi ro, do hiệu ứng mạng lưới. Thực tế là thị trường vốn đồng euro cũng như nhân dân tệ tương ứng vẫn còn nông và không cởi mở.

Những con số “biết nói”

Tuy nhiên, những cảnh báo của ông Putin vẫn cần được lưu ý, Tạp chí Thời đại Tài chính khẳng định, trích dẫn các nghiên cứu về hóa đơn thương mại do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (CEPR) xuất bản năm ngoái.
Một thập kỷ trước, yếu tố khác làm nền tảng cho đồng đô la là sự “kết dính” của các mẫu hóa đơn thương mại, như Gita Gopinath - Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lưu ý. Tuy nhiên, báo cáo của CEPR cho thấy, điều này hiện có thể đang dần thay đổi khi thương mại của Trung Quốc đã mở rộng trong những năm gần đây, việc sử dụng Nhân dân tệ cũng tăng lên.
Trên thực tế, mức gia tăng này hiện vượt quá mức sử dụng đồng euro để lập hóa đơn thương mại, điều này "đáng chú ý, do mức độ mở tài khoản vốn thấp của Trung Quốc", CEPR cho biết. “Việc thiếu độ mở tài khoản vốn có thể không hoàn toàn ngăn cản Nhân dân tệ đóng vai trò mạnh mẽ hơn với tư cách là một loại tiền tệ quốc tế và dự trữ”. Kết luận lại, nghiên cứu này lưu ý rằng thị trường Nhân dân tệ ở nước ngoài đã đạt trị giá 200 tỷ USD, đồng tiền này đang được “sử dụng trong lập hóa đơn và thanh toán”.
CEPR dự đoán một thế giới tiền tệ “đa cực” có thể xuất hiện trong những năm tới. Đó sẽ không phải là một bước chuyển mạnh mẽ như ông Putin hay ông Tập muốn thấy hoặc những người theo chủ nghĩa báo động ở Washington lo sợ. Tuy nhiên, đó có vẻ là một vụ cá cược trung hạn hợp lý. Và ngay cả chỉ một mô hình đa cực cũng có thể gây sốc cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Các nhà đầu tư cũng như nhà hoạch định chính sách cũng cần theo dõi các chi tiết thú vị về hóa đơn thương mại trong những tháng tới. Lời cảnh báo của ông Putin có cần lưu ý hay không, vẫn còn phải tiếp tục quan sát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần