Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo khả năng Fed vội vàng "cứu" nền kinh tế Mỹ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số ngân hàng lớn nhất của Phố Wall dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay - con số lớn hơn so với khảo sát một tuần trước đó.

Trụ sở Fed. Ảnh: Thehindu
Trụ sở Fed. Ảnh: Thehindu

Các ngân hàng lớn gồm Goldman Sachs, J.P.Morgan và Deutsche Bank đều lần lượt phát hành các báo cáo nghiên cứu dự báo Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất 4 lần vào năm 2022, nhiều hơn kết quả một cuộc khảo sát diện rộng mới đây vào cuối tháng 12/2021 là 3 lần.

Goldman Sachs dự kiến Fed sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm bảng cân đối kế toán trị giá hơn 8.000 tỷ USD sớm nhất từ tháng 7 tới. Trong khi đó, Giám đốc điều hành J.P.Morgan, Jamie Dimon, trả lời phỏng vấn CNBC rằng ông sẽ rất ngạc nhiên nếu Fed chỉ có 3 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Còn báo cáo của Deutsche Bank nhận định, nền kinh tế Mỹ đang tiến gần hơn tới việc đạt được toàn dụng lao động trên thị trường việc làm. Ngân hàng Đức này cũng dự báo quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed sẽ bắt đầu vào quý III năm nay.

Trên thực tế, để phản ứng với lạm phát nóng nhất trong gần 40 năm tại Mỹ, Fed đang vội vàng chấm dứt các chính sách hỗ trợ thời đại dịch, trong khi báo hiệu sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Vào tháng 12/2021, tất cả các quan chức đã ủng hộ việc sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 từ mức gần 0 trong năm 2021. Trong khi đó, tại cuộc họp tháng 9, chỉ có 9/18 quan chức ủng hộ không tăng lãi suất vào năm 2022.

 

Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường lao động mạnh mẽ cũng như ngăn chặn lạm phát cao hơn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một tuyên bố trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 10/1.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng lạm phát của Mỹ có thể đang gần tới mức đỉnh và sẽ sớm dịu lại. Jack Ablin, người phụ trách bộ phần đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Cresset Capital Management, chỉ ra rằng các vẫn đề trong chuỗi cung ứng đã giảm bớt “ngay cả khi không có việc tăng lãi suất”.

Chuyên gia này cũng tin rằng, chu kỳ tự nhiên sẽ giúp Fed và dù ngân hàng trung ương này có thực hiện 2 hay 3 lần tăng lãi suất trong năm nay, lạm phát sẽ không “nóng” lâu như vậy.

Cùng quan điểm, Jim Barnes, Giám đốc phụ trách mảng thu nhập cố định của công ty giải pháp tài chính Bryn Mawr Trust, cho biết các số liệu về lạm phát của Mỹ sẽ vẫn ở mức cao, nhưng “đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy chỉ số này dường như đang ở đỉnh điểm, ngay cả ở khía cạnh lạm phát tiền lương”.

Trong bối cảnh này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 10/1 cảnh báo việc Fed đẩy nhanh hơn lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến dòng vốn chảy ra ngoài mạnh hơn và đồng tiền ở các thị trường mới nổi mất giá.

“Mặc dù đà phục hồi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm nay và năm sau, rủi ro đối với sự tăng trưởng này vẫn cao do đại dịch bùng phát mạnh, đồng thời Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng đẩy sớm việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị cho những làn sóng bất ổn kinh tế tiềm tàng” - Stephan Danninger, trưởng Bộ phận Chính sách Vĩ mô thuộc Ban Đánh giá và Chính sách Chiến lược của IMF cho biết.

Ông Danninger nói thêm, việc Fed tăng lãi suất nhanh hơn để ứng phó với tình trạng lạm phát tăng cao có thể làm lũng đoạn thị trường tài chính và thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu. Những diễn biến này có thể đi kèm với nhu cầu tiêu dùng và hoạt động thương mại của Mỹ chậm lại, dẫn đến dòng vốn chảy ra và mất giá tiền tệ ở các thị trường mới nổi.

Các quan chức IMF cũng lưu ý, để đối phó với các điều kiện tài trợ thắt chặt hơn, các nền kinh tế mới nổi cần có những giải pháp ứng phó tùy thuộc tình hình của mỗi nước.

Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát cần truyền thông một cách rõ ràng và nhất quán để người dân hiểu được sự cần thiết của việc ổn định giá cả. Ngoài ra, các quốc gia có mức nợ bằng ngoại tệ cao nên tìm cách giảm thiểu những khoản nợ không phù hợp đó và phòng ngừa rủi ro khi có thể.