Cảnh báo khi mua tài khoản Veo 3 trôi nổi
Kinhtedothi - Những ngày gần đây, mạng xã hội Việt Nam rộ lên trào lưu tạo video "tấu hài" bằng công cụ AI Veo 3 của Google.
Tuy nhiên, đằng sau làn sóng sáng tạo đầy sôi động này là những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến bảo mật, đặc biệt khi người dùng tìm mua và sử dụng tài khoản Veo 3 từ các nguồn không chính thống, trong bối cảnh Veo AI Google chưa hỗ trợ Việt Nam.

Dễ dàng tìm thấy các dịch vụ bán tài khoản Veo 3 mặc dù Google chưa mở rộng dịch vụ tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Mới đây, Veo 3 được giới thiệu tại hội nghị Google I/O 2025 như một công cụ tạo video AI thế hệ mới, có khả năng đồng bộ hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng chuyển động chỉ từ vài dòng mô tả. Công nghệ này nhanh chóng tạo ra "cơn sốt" toàn cầu và lan mạnh vào thị trường nội dung số tại Việt Nam. Dù chưa chính thức triển khai, mua bán tài khoản Veo 3 đang diễn ra rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội với mức giá chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Theo ghi nhận, nhiều người dùng trong nước đã sử dụng thủ thuật VPN để giả lập IP, hoặc mua tài khoản trôi nổi từ các dịch vụ không rõ nguồn gốc. Một số còn khai báo tài khoản sinh viên giả mạo để được hưởng mức phí thấp hơn. Những hành vi này không chỉ vi phạm chính sách sử dụng của Google mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro dùng Veo 3 tại Việt Nam như mất quyền truy cập, thiệt hại tài chính và đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Từ ngày 6/6, nhiều người dùng tại Việt Nam đồng loạt phản ánh bị Google khóa tài khoản Veo 3 sau khi công ty này tăng cường kiểm tra, đặc biệt chặn hành vi chuyển đổi từ gói Student sang gói Ultra. Việc bị khóa xảy ra đột ngột, không được hoàn tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sử dụng và hoạt động sáng tạo nội dung. Không ít người đã "trắng tay" dù mới chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.
Đáng lo ngại hơn, một số dịch vụ rao bán tài khoản yêu cầu người mua cung cấp thông tin cá nhân hoặc đăng nhập qua các liên kết lạ. Đây là hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu từ tài khoản AI như thông tin Gmail, tài khoản mạng xã hội, thẻ tín dụng, hay dữ liệu riêng tư khác. Trong khi đó, người dùng thường chủ quan, cho rằng chỉ dùng "cho vui" và không ý thức rõ mức độ nguy hiểm.
Chất lượng trải nghiệm cũng là vấn đề. Veo 3 hiện chưa hỗ trợ tối ưu ngôn ngữ tiếng Việt, dẫn đến việc người dùng phải sử dụng "prompt" bằng tiếng Anh hoặc dịch máy, khiến video không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Một số phản ánh còn cho biết video lỗi âm thanh, "prompt" không chạy hoặc bị ngắt nội dung giữa chừng.
Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng cần hết sức tỉnh táo, cảnh báo tài khoản Veo 3 trôi nổi với giá rẻ nhưng tiềm ẩn rủi ro cao. Việc chia sẻ dữ liệu cho bên thứ ba không xác thực có thể gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Người dùng chỉ nên sử dụng dịch vụ từ nguồn chính thống, có hóa đơn rõ ràng, minh bạch về điều khoản hỗ trợ và hoàn tiền.
Trong khi chờ Google mở rộng dịch vụ tại Việt Nam, cộng đồng sáng tạo nội dung nên kiên nhẫn và lựa chọn các phương thức tiếp cận hợp pháp, an toàn. Bảo vệ thông tin cá nhân và tuân thủ quy định sử dụng dịch vụ không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong thời đại chuyển đổi số.

Hà Nội: Khuyến cáo người dân cảnh giác khi giao dịch vàng bạc online
Những hành vi lừa đảo của các đối tượng gây thiệt hại về kinh tế, mất an ninh thông tin cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc và gây bất ổn thị trường vàng.

Cảnh giác với chiêu trò cuộc gọi “nháy máy”
Kinhtedothi - Chiêu trò lừa đảo qua điện thoại không còn mới nhưng thời gian gần đây bùng phát trở lại. Các đối tượng sử dụng số điện thoại đầu số 024xxx, 028xxx, 00222xxx, 00288xxx… gọi cho người dân nhằm thu thập dữ liệu, từ đó phân loại người dùng và xây dựng các kịch bản lừa đảo một cách tinh vi.

Cảnh giác với thông tin cảnh báo giả gây hoang mang
Kinhtedothi - Nếu người dùng chỉ bấm vào đường dẫn xem clip thì không thể dẫn đến mất quyền kiểm soát điện thoại. Đó chỉ là thông tin giả, gây hoang mang cho người dùng. Tuy nhiên, thao tác này có thể mở đầu chuỗi dẫn dụ của kẻ xấu để lừa chiếm đoạt tài sản.