Cảnh báo khủng hoảng chính trị ở Bosnia Herzegovina

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong phiên họp ngày 9/5 về tình hình Bosnia Herzegovina, Hội đồng Bảo an đã cảnh báo nước này đang đối mặt với nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến năm 1995.

KTĐT - Trong phiên họp ngày 9/5 về tình hình Bosnia Herzegovina, Hội đồng Bảo an đã cảnh báo nước này đang đối mặt với nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến năm 1995.

Cuộc khủng hoảng sẽ bắt nguồn từ tình trạng không có chính phủ và không có triển vọng thành lập được một chính phủ mới cũng như nền kinh tế trì trệ.

Đại diện cấp cao của Bosnia Herzegovina, ông Valentin Inzko cho biết, nước Cộng hòa Serbia, trong thành phần Bosnia Herzegovina, đã quyết định trưng cầu dân ý trong tháng Sáu tới về quyền lực của Đại diện cấp cao, các thể chế nhà nước và tòa án của Bosnia Herzegovina.

Hành động này được cho là vi phạm nghiêm trọng Hiệp định hoà bình Dayton về thành lập nước Cộng hòa Bosnia Herzegovina, tác động nghiêm trọng đến chức năng và sự bền vững của nước này.

Cộng hòa Serbia công khai chất vấn về sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ cũng như các thể chế Nhà nước, đồng thời kêu gọi loại bỏ các thể chế này cũng như giải tán nước Cộng hòa Bosnia Herzegovina.

Ông Valentin Inzko cũng nhấn mạnh, bảy tháng sau cuộc bầu cử, tiến trình lập pháp ở Bosnia Herzegovina vẫn bị ngưng trệ. Tình hình hiện nay ở nước này là tranh chấp giữa nền chính trị dựa trên sắc tộc và mô hình hướng tới dân sự hơn.

Các đảng chính trị của người Croatia đã tách khỏi Liên bang Bosnia Herzegovina và từ chối hợp tác với chính quyền liên bang này. Liên bang đang đứng trước nguy cơ chia rẽ và li khai đe dọa sự tồn tại của thực thể này trong thành phần nước Cộng hòa Bosnia Herzegovina.

Theo Hiệp định hòa bình Dayton ký năm 1995, Bosnia Herzegovina gồm hai chủ thể hợp thành là Cộng hòa Serbia và Liên bang Hồi giáo Croatia. Hai chủ thể này có quân đội, cảnh sát, chính phủ và quốc hội riêng biệt.

Đứng đầu chính quyền trung ương là Hội đồng Tổng thống gồm ba Tổng thống đại diện cho ba cộng đồng sắc tộc là Croatia, Serbia và Hồi giáo. Chức Chủ tịch Hội đồng Tổng thống do một trong ba tổng thống luân phiên nắm giữ./.