Lực đẩy từ dịch vụ công
Một điểm cần chú ý, chỉ tiêu kế hoạch năm nay về CPI không phải là CPI tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước, mà là CPI bình quân năm nay so với năm trước (4%). Trong khi đó, CPI bình quân 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước vừa cao hơn con số tương ứng, vừa cao hơn kế hoạch cả năm. Điều đó diễn ra khi giá xuất/nhập khẩu tăng, góp phần làm cho chi phí đẩy tăng, kéo CPI tăng.
Trong khi nhóm hàng hóa ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm hoặc tăng thấp do tác động của nhiều yếu tố khi nguồn cung tăng lên, mức tiêu dùng lương thực - thực phẩm bình quân đầu người của một bộ phận lớn người tiêu dùng lại giảm. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ khiến lạm phát tháng 2/2017 giảm đà tăng (tăng 0,69% so với đầu năm) nhưng so với cùng kỳ năm trước đã tăng tới 5,02%. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhóm giao thông tăng 9,97% so với cùng kỳ do giá xăng dầu tháng 1/2017 tăng mạnh so với năm trước (tăng khoảng 13% so cùng kỳ). Bên cạnh đó, áp lực lạm phát gia tăng còn do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành (giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng lần lượt 57,21% và 10,07% so với cùng kỳ 2016)."Điều đáng lưu ý là xu hướng lạm phát dài hạn tại thời điểm tháng 2/2017 cao hơn khoảng 0,6 điểm phần trăm so với tháng 2/2016. Tổng hợp những yếu tố trên cho thấy, lạm phát năm 2017 có thể tăng mạnh hơn năm 2016 nếu thành phần chu kỳ của lạm phát (đặc biệt là tăng giá dịch vụ công) không được kiểm soát chặt chẽ” - báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính nêu rõ.Ngoài những yếu tố nêu trên, việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng CPI bình quân của năm 2017 là 4% còn chịu nhiều áp lực khi giá nhiều mặt hàng cơ bản trên thị trường thế giới có xu hướng phục hồi, nhất là giá dầu thô, được dự báo lên mức 65 - 70 USD/thùng.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu theo lộ trình thị trường; dư địa chính sách tiền tệ ít, áp lực về tỷ giá; các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai; việc chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá do Nhà nước định giá theo Luật Phí và Lệ phí và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, thì việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá…Kiểm soát chặt phương án giá, mức giáTừ những diễn biến trên, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đề xuất, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (điện, nước sạch, xăng dầu...); Giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; Đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đối với những hàng hóa, dịch vụ (nếu có) đến tình hình kinh tế - xã hội và CPI của địa phương để có phương án và lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao.PGS. TS Ngô Trí Long lại nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý bằng cơ chế giá theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí năm 2015, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 và pháp luật liên quan. Đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường từ ngày 1/1/2017 mà Nhà nước không định giá, thì giá các dịch vụ cần được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật đối với những dịch vụ này.Đối với các loại phí được chuyển sang giá do Nhà nước định giá, cần tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo phân cấp của Chính phủ. Đặc biệt là xây dựng cơ chế để các đơn vị cung ứng dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động, tình hình cân đối thu - chi, đánh giá mức độ bù đắp các chi phí phát sinh để cung ứng dịch vụ từ số tiền thu phí theo mức phí hiện hành để xây dựng phương án giá dịch vụ hợp lý với trong từng điều kiện cụ thể. Trường hợp những loại phí sang giá có tính chất đặc thù, đặc biệt là khi mức giá cao hơn mức phí hàng hóa cần phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương pháp định giá, có lộ trình điều hành phù hợp vừa bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này không chỉ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mà còn giúp tạo ra dư địa quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Y tế, GD&ĐT xây dựng các phương án, kịch bản kết hợp các công cụ chính sách để bảo đảm lạm phát không quá 4%. |