Dù các quan chức phương Tây và Israel hiện không xem những cuộc tấn công này là mối de dọa đối với Tel Aviv tương tự như từ Hamas và Hezbollah, tần suất tấn công đang gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp.
Theo các quan chức Mỹ và quân đội Israel, ít nhất hai quả đạn pháo của nhóm Shiite đã nhắm trúng mục tiêu, trong khi số còn lại bị lực lượng phòng thủ của Mỹ và Israel bắn hạ.
Kể từ tháng 5, các loại vũ khí mới như tên lửa hành trình đã được sử dụng thường xuyên hơn, khiến lực lượng phòng không Israel gặp khó trong việc đánh chặn.
Mike Knights, thành viên tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, cho biết: “Cường độ các đợt tấn công của nhóm Shiite ngày càng tăng cùng với đó là việc sử dụng nhiều loại vũ khí tiên tiến hơn. Điều này sẽ khiến quân đội Israel gặp khó trong việc chống trả cũng như làm gia tăng chi phí xung đột”.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, các quan chức Mỹ tỏ ra lo ngại khi các cuộc tấn công của lực lượng Kataib Hezbollah và Nujaba ở Iraq có thể sẽ dẫn đến leo thang xung đột trong khu vực. Thậm chí lực lượng Hezbollah tại Lebanon hay nhóm Trục Kháng chiến, một mạng lưới lực lượng vũ trang thân Iran, cũng lo ngại các cuộc tấn công trên sẽ khiến mọi nỗ lực ngăn chặn xung đột leo thang bị đổ vỡ.
Một quan chức của Trục Kháng chiến cho biết: “Họ có thể khiến chúng tôi phải làm những điều không mong muốn vào thời điểm hiện tại”.
Iran và Hezbollah trước đây đã phải nỗ lực để kiềm chế các phe phái ở Iraq.
Hussein al-Mousawi, người phát ngôn của Nujaba, một tổ chức quân sự thuộc phong trào Hồi giáo Shiite tại Iraq đang thực hiện các cuộc tấn công vào Israel, nói với Reuters những động thái này là để nhằm khẳng định sức mạnh cũng như khiến Israel tốn nhiều chi phí dành cho chiến tranh hơn. Họ sẽ tấn công từ bất cứ khu vực nào, miễn là cần thiết.
“Các hoạt động do quân kháng chiến thực hiện sẽ không bị giới hạn bởi ranh giới về thời gian và không gian. Chúng tôi hành động bất chấp mọi hậu quả miễn là luôn đứng về lẽ phải và công lý” - Mousawi cho biết.
Do đang phải cân nhắc đảm bảo cân bằng mối quan hệ đối với Washington và Iran, Chính phủ Iraq không chính thức công khai ủng hộ các cuộc tấn công cũng như không hành động quyết liệt để ngăn chặn điều này.
Nhiều người cho rằng điều này cho thấy những hạn chế về quyền lực của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani trong một chính phủ liên minh bao gồm các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn. Các chuyên gia cho biết điều này có thể cản trở nỗ lực của Iraq trong việc tạo dựng môi trường ổn định và cởi mở cho hoạt động kinh doanh.
Iraq phản đối việc thiết lập quan hệ hơp Israel và đưa ra nhiều quy định trừng phạt nghiêm khắc những người cố gắng bình thường hóa quan hệ này. Ngược lại, Israel coi Iraq là một đồng minh quan trọng của Iran và là hành lang chính để vận chuyển vũ khí từ Iran đến các nhóm vũ trang khác, bao gồm Hezbollah.