Phố Wall lập kỷ lục mới nhờ cú hích từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Việt
Kinhtedothi - Chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 2/7 sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đạt một thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Hai trong ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giao dịch bùng nổ nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu công nghệ và tin tức về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường bị kiềm chế phần nào do dữ liệu việc làm đáng thất vọng trong khu vực tư nhân làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 cộng 0,47% lên 6.227,42 điểm, thiết lập mức đóng cửa kỷ lục và cũng ghi nhận mức đỉnh mới trong phiên. Nasdaq Composite nhảy vọt 0,94% lên 20.393,13 điểm, thiết lập mức cao nhất lịch sử. Riêng chỉ số Dow Jones sụt 10,52 điểm, tương đương giảm 0,02%, còn 44.484,42 điểm.
Động lực chính giúp thị trường Phố Wall khởi sắc trong phiên sau khi ông Trump viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng Mỹ và Việt Nam đã đạt thỏa thuận thương mại.

Cổ phiếu Apple tăng 2,2% trong ngày 2/7. Ảnh: Tipranks
Cổ phiếu Nike, công ty thời trang thể thao có hoạt động sản xuất lớn ở Việt Nam, leo dốc 4% nhờ thông tin tích cực này.
Ông Michael Arone, chiến lược gia trưởng tại State Street Global Advisors, nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thương mại và xem thỏa thuận với Việt Nam là tin tức vô cùng tích cực.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng tiết lộ một thỏa thuận với Ấn Độ có thể sắp được công bố, trong khi một số đối tác khác có thể chưa sẵn sàng trước hạn chót 9/7.
Trước đó, thị trường Phố Wall chịu áp lực giảm sau khi báo cáo hàng tháng mới nhất từ công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy khu vực tư nhân của Mỹ mất 33.000 công việc trong tháng 6.
Dữ liệu mới nhất đánh dấu tháng suy giảm việc làm đầu tiên của khu vực tư nhân theo báo cáo của ADP kể từ tháng 3/2023. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế đã dự báo mức tăng trưởng 100.000 công việc mới.
Chiến lược gia đầu tư Ross Mayfield tại công ty Baird đánh giá: “Thị trường lao động đã suy yếu trong nhiều tháng qua. Tôi luôn tự hỏi liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cần số công việc giảm đi để bắt đầu chú ý đến thị trường lao động, thay vì quan tâm nhiều hơn đến bức tranh lạm phát. Hy vọng là số liệu việc làm tư nhân vừa được công bố sẽ thu hút sự chú ý nhất định”.
Tuy nhiên, báo cáo của ADP thường có sự khác biệt lớn so với báo cáo hàng tháng của Chính phủ Mỹ về việc làm của khu vực phi nông nghiệp. Dự Dự kiến, báo cáo việc làm phi nông nghiệp sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày 3/7 (giờ Mỹ). Các nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng việc làm đạt 110.000 công việc trong tháng 6.
Chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research cho rằng nếu số liệu việc làm chính thức sắp công bố cũng ảm đạm như báo cáo của ADP, Fed có thể cân nhắc giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ sắp diễn ra trong tháng này.
Ông Stovall cũng lưu ý rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây đã xác nhận rằng nếu không có những kế hoạch thuế quan mà ông Trump công bố trong năm nay, Fed đã hạ lãi suất thêm rồi.
Kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất ngay trong tháng 7 đang tăng lên, dù còn ở mức thấp. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool từ sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 23% Fed hạ lãi suất trong tháng 7, cao hơn mức 21% vào ngày 1/7.
Các cổ phiếu công nghệ lớn đóng vai trò là lực đỡ trong phiên 3/7, với Nvidia tăng 2,6%, trong khi Apple tăng 2,2%. Ở các diễn biến riêng lẻ, một trong những mã cổ phiếu có hoạt động sôi nổi nhất là Tesla, tăng 5%, phục hồi sau đà đi xuống hồi đầu tuần dù hãng xe điện này ghi nhận lượng giao xe quý 2 sụt giảm mạnh.
Trọng tâm theo dõi hiện tại là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Năm, sớm hơn một ngày so với bình thường, do thị trường đóng cửa vào ngày Quốc khánh 4/7. Số liệu dự kiến sẽ cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã hạ nhiệt trong tháng 6 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%.
Bên cạnh đó, giới đầu tư trong tuần này còn quan tâm đến dự luật thuế và chi tiêu của ông Trump mà Thượng viện Mỹ đã thông qua với số phiếu sít sao hôm thứ Ba. Dự luật này hiện đã quay trở lại Hạ viện để chờ một cuộc bỏ phiếu thông qua nữa trước khi có thể được Tổng thống Trump ký để trở thành luật.
Ông Eric Clark, nhà quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Rational Dynamic Brands Fund, cho biết, thị trường hiện “phớt lờ” các tín hiệu suy yếu trong nền kinh tế Mỹ do sự không chắc chắn xung quanh chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo rằng khi bức tranh thuế quan trở nên rõ ràng hơn, thị trường sẽ phải đối mặt với những dữ liệu đáng lo ngại và khả năng suy giảm của thị trường việc làm.

Đặt cược vào chính sách “bồ câu” của Fed, chứng khoán Mỹ tiến sát kỷ lục
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ trong phiên ngày 26/6, khi lệnh ngừng bắn Israel-Iran tiếp tục được duy trì và khả năng cao hơn về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong 6 tháng cuối năm nay.

Kỳ vọng xung đột Trung Đông sớm hạ nhiệt, chứng khoán Mỹ tăng mạnh
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ nhuộm sắc xanh trong phiên đầu tuần sau khi Iran đáp trả các cuộc không kích của Mỹ bằng một hành động được đánh giá là có kiềm chế và tránh leo thang xung đột.

Chứng khoán Mỹ chao đảo khi xung đột Israel-Iran tăng nhiệt
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên ngày 17/6, khi cuộc xung đột Israel-Iran bước sang ngày thứ năm, với việc quân đội Mỹ di chuyển một số loại máy bay chiến đấu đến Trung Đông.