Lũ quét ở miền Bắc Malaysia đã buộc 25.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở Kelantan và Terengganu, sau khi nước sông Golok đạt mức cao kỷ lục. Không những vậy, lũ lụt đang khiến khu vực biên giới Thái Lan bị cô lập.
Đáng chú ý hơn, lũ lụt nghiêm trọng chưa cho có dấu hiệu dừng lại làm dấy lên lo ngại về hậu quả tương tự như trận lũ tàn khốc năm 2014 tại chính quốc gia này sẽ lặp lại.
Theo dữ liệu của chính phủ, tính đến nửa đêm ngày Giáng sinh, mực nước sông Golok đã dâng lên đến 11,04 mét, cao hơn mức 10,84 mét trong trận lũ năm 2014, khiến hơn 300.000 người phải sơ tán trên toàn quốc.
Shazlinda Hanif, nhà khí tượng học tại Cục Khí tượng Malaysia (MET) cho biết đến ngày 26/12, cảnh báo tình trạng lũ lụt khẩn cấp vẫn còn hiệu lực trên khắp Kelantan và Terenggaru.
Hình ảnh người dân mắc kẹt trong nhà cũng như các thuyền cứu hộ phải vật lộn với dòng nước chảy xiết đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Các video chia sẻ trên TikTok về những ngôi làng ngập nước và các phương tiện cứu hộ bị mắc kẹt trên đường cho thấy thảm hỏa đang xảy ra khủng khiếp đến mức nào.
Faris Roslan, một cư dân tại Rantau Panjang, cho biết: “Nước dâng lên tới cằm chúng tôi và mọi thứ thật khủng khiếp”.
MET cảnh báo mưa lớn có kể sẽ kéo dài tại Kelantan, Terengganu, Pahang và Perak cho đến thứ Tư. Hiện chưa có thông báo chính thức về số người thiệt mạng do lũ lụt.
Khác với bờ biển phía Tây của Malaysia khi luôn được bảo vệ và che chắn bởi đảo Sumatra, Indonesia khỏi thời tiết bất lợi, việc bờ biển phía đông nước này tiếp giáp với vùng biển rộng thuộc Biển Đông sẽ khiến khu vực này luôn phải hứng chịu những trận lũ lụt tàn khốc, đặc biệt là vào mùa gió Đông Bắc giữa tháng 10 và tháng 12.
Vào chiều thứ Hai, Chính phủ Malaysia đã triển khai Đội cứu hộ và hỗ trợ thiên tai đến khu vực biên giới bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát và cứu hỏa đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các nỗ lực cứu hộ.
Một số con đường lớn nối các thị trấn ở vùng nông thôn phía Đông Bắc bán đảo Malaysia đã buộc phải đóng cửa sau khi chính phủ tuyên bố không đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Điều này đã khiến nhiều du khách, gồm những người trước đó đã di chuyển qua biên giới Malaysia-Thái Lan trong kỳ nghỉ Giáng sinh dài ngày, mắc kẹt và không thể trở về nhà.
Tại Thái Lan, hàng người cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt. Các đài truyền hình địa phương chia sẻ hình ảnh nước lũ dâng cao tận mái nhà, còn đường sắt và đường bộ thì bị bùn lầy bao phủ.
Khi lũ lụt gia tăng tại Kelantan, nhiều người đã đặt dấu hỏi đối với hàng tỷ ringgit được đầu tư vào các dự án giảm thiểu lũ lụt kể từ thảm họa năm 2014.
Người dân tại Kelantan đang than phiền về sự kém hiệu quả của công tác nạo vét và xây đê ở bang này, cho rằng những dự án này được thực hiện mà không đưa ra những đánh giá thích hợp đối với dòng chảy của sông Golok.
Một người dân tại Rantau Panjang cho biết: “Bởi những dự án này, người dân hiện phải đối mặt với tình trạng lũ ứ động do nước không thể rút xuống sông”.
Tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bền vững Nik Nazmi Nik tuyên bố các nỗ lực giảm thiểu lũ lụt tại sống Golok sẽ tiêu tốn 2,156 tỷ ringgit (470 triệu USD), với việc giai đoạn một sẽ được hoàn thành vào tháng 8/2024.
Dự án này tương đối nhạy cảm về mặt chính trị do ban đầu được phê duyệt bởi chính quyền tiền nhiệm trước khi chính phủ hiện tại của Thủ tướng Anwar Ibrahim tiếp quản.