Nhiều quốc gia nỗ lực đàm phàn với Mỹ sau khi thuế quan được công bố
Kinhtedothi - Hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để đàm phán thương mại kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan toàn diện mới.
Đây là thông tin được các quan chức cấp cao tiết lộ vào Chủ nhật, trong bối cảnh chính quyền Mỹ tìm cách bảo vệ quyết định gây tranh cãi đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi gần 6 nghìn tỷ USD chỉ trong vài ngày và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Vào sáng Chủ nhật, xuất hiện trên các chương trình thời sự chính trị, các cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan mới, gọi đây là bước đi chiến lược giúp Mỹ tái định vị vai trò trong hệ thống thương mại toàn cầu. Họ cũng tìm cách trấn an công chúng và giới đầu tư, trong bối cảnh tâm lý thị trường tiếp tục bất ổn trước thềm phiên giao dịch đầu tuần tại châu Á.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, kể từ sau khi chính sách thuế được công bố vào thứ Tư, hơn 50 quốc gia đã chủ động tiếp cận Mỹ để đề xuất đàm phán. Dù không tiết lộ danh tính cụ thể hay nội dung chi tiết, ông Bessent nhấn mạnh rằng: “Tổng thống đã thiết lập đòn bẩy tối đa cho chính mình.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Creative Commons
Dù chính quyền ông Trump trấn an dư luận, các nhà phân tích cảnh báo những rủi ro kinh tế thực sự. Báo cáo mới nhất từ JPMorgan ước tính, chính sách thuế có thể khiến GDP của Mỹ giảm 0,3% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 1,3% như dự báo trước đó. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,2% lên 5,3%.
Đàm phán lan rộng, lo ngại gia tăng
Chính sách thuế mới của Mỹ chính thức có hiệu lực từ thứ Bảy, với mức thuế 10% áp dụng đồng loạt cho tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Tiếp theo đó, các mức thuế đối ứng, dao động từ 11% đến 50% tùy theo từng đối tác thương mại, sẽ được triển khai bắt đầu từ 12:01 sáng thứ Tư theo giờ miền Đông Mỹ.
Đọc thêm: Châu Âu rục rịch ứng phó với thuế quan của ông Trump
Một số quốc gia đã nhanh chóng đưa ra phản ứng trước chính sách thuế mới của Mỹ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết sẽ kiến nghị Tổng thống Trump tạm hoãn mức thuế 17% đối với hàng hóa xuất khẩu của Israel trong cuộc gặp dự kiến sắp tới. Trong khi đó, Ấn Độ – quốc gia đang chịu mức thuế 26% – tuyên bố không có kế hoạch trả đũa, thay vào đó đang tích cực đàm phán với Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương mang tính xây dựng.
Thị trường chao đảo, chiến lược gây tranh cãi
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19. Chỉ số S&P 1500 mất gần 6 nghìn tỷ USD trong hai ngày sau tuyên bố của Trump, nâng tổng thiệt hại lên gần 10 nghìn tỷ USD từ giữa tháng 2, ảnh hưởng nặng nề đến tài sản của hàng triệu người Mỹ.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett phủ nhận việc chính sách thuế của Tổng thống Trump là nhằm gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất. Tuy nhiên, chính ông Trump lại đăng video trên mạng xã hội cho thấy ông coi thuế quan như một công cụ gây áp lực để Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, làm dấy lên nhiều hoài nghi trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết các mức thuế hiện tại có thể kéo dài “trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần”. Ông cũng bênh vực quyết định áp thuế với cả những khu vực không người ở như đảo ở Nam Cực – điều bị dư luận chỉ trích – với lý do nhằm ngăn các quốc gia lớn như Trung Quốc lợi dụng các vùng lãnh thổ nhỏ để né thuế.
“Về cơ bản, Tổng thống nói rằng ông không thể để bất kỳ nơi nào trên thế giới trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa của Trung Quốc hay các quốc gia khác,” Lutnick nhấn mạnh.
Trong bối cảnh bất ổn lan rộng, thế giới đang theo dõi sát sao từng bước đi tiếp theo của Mỹ – quốc gia vừa giữ vai trò trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, vừa là tâm điểm của cơn địa chấn thị trường hiện tại.

Tổng thống Trump thông báo có cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Tô Lâm
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm là rất hiệu quả và khẳng định mong muốn gặp lại nhà lãnh đạo Việt Nam sớm.

Giới chuyên gia hoài nghi hiệu quả chính sách thuế quan của Tổng thống Trump
Kinhtedothi - Mặc dù Tổng thống Donald Trump kỳ vọng chính sách thuế quan sẽ thúc đẩy sự phục hồi ngành sản xuất tại Mỹ, nhưng các chuyên gia lại cho rằng thực tế không đơn giản như vậy, do nhiều yếu tố phức tạp cũng như rủi ro cần được xem xét kỹ lưỡng.

Biểu tình phản đối ông Trump rầm rộ khắp nước Mỹ
Kinhtedothi - Hàng trăm nghìn người dân Mỹ đã xuống đường ngày 5/4 trong một làn sóng biểu tình rộng, phản đối các chính sách của Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk.