Muôn kiểu mạo danh...Mới đây, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã phát đi cảnh báo người dân về tình trạng giả mạo nhân viên y tế của BV gọi điện tư vấn khám bệnh và mua thuốc qua điện thoại trong thời gian giãn cách xã hội. Họ khuyên người bệnh nên tự mua thuốc uống tại nhà, hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại các nhà thuốc ngoài BV để được giảm giá 50%, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để “bác sĩ” mua thuốc gửi về nhà cho người bệnh. Phía BV cho biết, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và rà soát lại tất cả quy trình, đơn vị xác nhận đây là lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế nhằm mục đích trục lợi. BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khẳng định, kể cả trong thời gian giãn cách xã hội, BV vẫn tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú bình thường.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy - cũng lên tiếng cảnh báo về việc một số người tự xưng là “bác sĩ” của BV, gợi ý người bệnh mua thực phẩm chức năng gây bức xúc trong thời gian qua.
“Nếu có người gọi điện thoại tư vấn về thực phẩm chức năng và nói rằng đây là chỉ định của bác sĩ BV Chợ Rẫy, mọi người nên cảnh giác vì rất nhiều khả năng đây chính là những cuộc gọi mang tính chất lừa người bệnh để trục lợi” - bác sĩ Việt khuyến cáo.Trước đó, hàng loạt BV tuyến T.Ư cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng giả mạo, tự ý sử dụng hình ảnh bác sĩ của BV để lừa đảo, trục lợi. Trong đó, xuất hiện một trường hợp mạo danh bác sĩ Trần Thị Thanh Tâm, công tác tại Khoa Laser và chăm sóc da, để lừa đảo tư vấn, bán thuốc cho bệnh nhân của BV. Bệnh nhân đã mua 4 lần thuốc không có đơn, cho đến khi mẩn ngứa nặng hơn và liên lạc lại thì trường hợp này đã “bặt vô âm tín”.Phải trừng trị nghiêm khắcTrao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Đình Ngọc (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, nhiều kẻ táng tận lương tâm lợi dụng tình hình khó khăn do dịch bệnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, có hiện tượng một số cá nhân mạo danh cán bộ y - bác sĩ tại các BV bán thuốc; nhất là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh Covid-19 không đạt chuẩn cho người dân để thu lợi bất chính. Thủ đoạn chung của các đối tượng này là lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân, nhất là những người trong các vùng dịch, lợi dụng sự chú ý của các cơ quan chức năng đang đổ dồn vào dịch bệnh, cung cấp thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu ai không cảnh giác sẽ rơi vào bẫy của các đối tượng, tiền chuyển vào tài khoản của chúng là thật nhưng thuốc nhận về là giả.
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn cố ý thực hiện hành vi với những người đang có sẵn bệnh nặng trong người cần phải điều trị hoặc sử dụng thuốc thường xuyên mà trong những ngày này họ gặp khó khăn khi đến BV. Với những người bệnh có sức khỏe yếu, ở trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn nếu bị lừa bán thuốc kém chất lượng sẽ dẫn đến tình hình sức khỏe còn tồi tệ hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), những đối tượng mạo danh bác sĩ để bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, nếu số tiền chiếm đoạt được từ việc mạo danh bác sĩ bán thuốc từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết tội về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Nếu mạo danh bác sĩ tại một BV cụ thể nào đó, lấy danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi thì bị phạt tù không dưới 2 năm. Người phạm tội này trong trường hợp nặng nhất thì bị phạt tù chung thân. Mặc khác, trường hợp các đối tượng này có hành vi sản xuất - buôn bán thuốc giả, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.