Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo mới nhất của Điện Kremlin về cuộc khủng hoảng năng lượng EU

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc quay lưng lại với năng lượng Nga sẽ dẫn đến “những hậu quả rất tệ hại” đối với Liên minh châu Âu (EU).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RT
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RT

Theo đài RT, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya 1 hôm 9/10, ông Peskov nói rằng Mỹ đang kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các quốc gia châu Âu với giá cao.   

“Người châu Âu đang mua LNG của Mỹ với giá quá cao và điều này có thể làm mất đi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Việc sản xuất đang bị ảnh hưởng. Quá trình phi công nghiệp hóa đang đến gần. Tất cả những điều này sẽ gây ra những hậu quả rất tệ hại cho châu Âu, ít nhất là trong vòng 10-20 năm tới” - người phát ngôn Điện Kremlin nói.

Ông Peskov lưu ý thêm rằng rằng, trước đây thị trường năng lượng tại EU  duy trì “sự cân bằng” vì Nga quan tâm đến những khách hàng châu Âu và họ cũng quan tâm đến Moscow. Tuy nhiên, hiện tại EU đang cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, điều này dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.

Theo quan chức Điện Kremlin, Mỹ đang bán khí đốt với giá cao hơn 3-4 lần so với giá khí đốt của Nga, và châu Âu đang làm cho nền kinh tế của họ trở nên kém cạnh tranh hơn khi phải trả số tiền lớn cho các nhà cung cấp Mỹ.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Sau khi EU và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Moscow và lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào vào nguồn cung năng lượng từ Nga, giá khí đốt đã đạt mức cao kỷ lục, kéo theo đà tăng lạm phát trên khắp châu Âu.

Hiện châu Âu đang đối mặt với tình trạng khan hiếm năng lượng nghiêm trọng chưa từng có trong mùa đông này và đang tìm cách bù đắp nguồn cung khí đốt bị thiếu hụt sau khi Nga ngừng hoạt động vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 vào đầu tháng 9 vừa qua.

Tuần trước, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo rằng châu Âu có thể sớm phải đối mặt với việc giảm đáng kể hoạt động công nghiệp và gia tăng bất ổn xã hội nếu không hành động để giảm giá năng lượng.

Trong khi đó, Reuters đưa tin, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên hơn cho EU so với Nga, nhưng chi phí mà châu Âu bỏ ra để mua LNG của Mỹ cao hơn gấp 10 lần.

Reuters trích dẫn dữ liệu theo dõi của Refinitiv Eikon cho biết, Mỹ đã tăng cường cung cấp LNG cho châu Âu vào tháng 9.

Lần đầu tiên, châu Âu đã thay thế châu Á là điểm đến lớn nhất cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Trong tháng 9, có 87 chuyến hàng chở 6,3 triệu tấn đến châu Âu, vượt nhẹ so với khối lượng 6,25 triệu tấn của tháng 8. Điều đó đưa xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đạt gần 70% trong tháng 9, tăng lần lượt từ 56% và 63% trong tháng 8 và tháng 7.