Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Mỹ đối mặt “vòng xoáy” khủng hoảng do chính sách thuế quan của ông Trump

Kinhtedothi - Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 2 phục hồi yếu hơn dự kiến, trong khi lạm phát cơ bản tăng mạnh nhất trong 13 tháng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kinh tế đình trệ trong khi giá cả tiếp tục leo thang.

Rủi ro chưa từng có?

Với thời hạn quyết định về vòng thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump sắp đến, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dự báo rằng mức thuế cao hơn từ Nhà Trắng có thể khiến lạm phát tăng, nhiều người mất việc hơn và kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Goldman Sachs dự đoán thuế suất sẽ tăng 15%, một kịch bản mà trước đây ngân hàng này cho là ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, nhiều khả năng điều đó có thể trở thành hiện thực khi ông Trump công bố các biện pháp thuế mới vào ngày 2/4 tới. Dù vậy, Goldman Sachs cũng cho rằng việc miễn trừ một số sản phẩm và quốc gia có thể giúp giảm mức tăng thực tế xuống còn 9%.

Chi tiêu tiêu dùng trong tháng 2 chỉ tăng 0,4%, thấp hơn mức dự báo 0,5% của giới chuyên gia. Ảnh: MSN

Goldman Sachs cảnh báo rằng khi chính sách thuế quan mới có hiệu lực, các gói thuế này sẽ gây tác động tiêu cực trên diện rộng đến nền kinh tế. Trong báo cáo được công bố ngày 30/3, Goldman Sachs nhận định: "Chúng tôi tin rằng rủi ro từ các mức thuế công bố vào ngày 2/4 tới lớn hơn so với những tác động mà nhiều nhà đầu tư trên thị trường từng dự đoán".

Nỗi lo đình lạm xuất hiện

Căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump được cho là những yếu tố chính góp phần vào tình trạng này.

Theo Khảo sát Dự Báo Tình Hình Người Tiêu Dùng của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) tại New York, tính đến tháng 2/2025, người tiêu dùng Mỹ dự báo lạm phát sẽ tăng lên 3,1% trong năm tới, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5/2024.

Lo ngại trên cũng được củng cố bởi kết quả khảo sát mới đây của Đại học Michigan chỉ ra rằng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 3 đã tăng vọt lên tới 4,9% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Bên cạnh đó, dự báo lạm phát trong 5 năm tiếp theo cũng vọt lên 3,9% và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 2/1993.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế, chiếm hơn hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – chỉ tăng 0,4% trong tháng 2, thấp hơn mức dự báo 0,5% của giới chuyên gia. Trước đó, chi tiêu đã giảm 0,3% trong tháng 1 (điều chỉnh giảm so với con số báo cáo ban đầu là -0,2%).

"Người tiêu dùng Mỹ đang trở nên cẩn trọng hơn trong chi tiêu khi phải đối mặt với môi trường kinh tế và lạm phát đầy bất ổn" - chuyên gia kinh tế trưởng Scott Anderson tại BMO Capital Markets, nhận định.

Ngoài ra, chi tiêu tại các tổ chức phi lợi nhuận giảm sâu 15,8% do chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm mạnh ngân sách tài trợ liên bang, trong nỗ lực thu nhỏ quy mô chính phủ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận thấy chương trình nghị sự thương mại bảo hộ của Tổng thống Trump sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và đẩy lạm phát lên cao hơn trong những tháng tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước thừa nhận rằng lạm phát đã bắt đầu tăng "một phần là do phản ứng với chính sách thuế quan", đồng thời lưu ý rằng "có thể có sự chậm trễ trong tiến trình tiếp theo trong suốt năm nay".

Trong khi ông Powell hạ thấp kỳ vọng lạm phát đang xấu đi, các nhà kinh tế cho rằng áp lực lạm phát nóng lên có thể ngăn cản Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 6 như dự đoán của thị trường tài chính.

Theo ông James Knightley - nhà kinh tế quốc tế trưởng tại tập đoàn tài chính ING, dữ liệu lạm phát và tiêu dùng tháng 2 càng làm gia tăng nỗi lo đỉnh lạm.

"Chúng ta đang đi sai hướng và mối lo ngại là thuế quan đe dọa giá cả tăng cao hơn, điều này có nghĩa là lạm phát sẽ vẫn nóng. Điều này sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa của Fed", ông Knightley cảnh báo.

Rủi ro nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình lạm khiến Fed rơi vào tình thế khó xử. Nếu lạm phát tiếp tục tăng, có thể Fed sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong trường hợp đó, Ngân hàng T.Ư Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế khi làm tăng chi phí vay mượn. Mặt khác, nếu chính sách được nới lỏng quá sớm để hỗ trợ tăng trưởng, lạm phát có thể gia tăng nhanh chóng.

Lần gần nhất Mỹ gặp phải tình trạng này là vào cuối những năm 1970 và đầu thập niên 1980. Khi đó, Fed dưới sự lãnh đạo của ông Paul Volcker đã tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, dù điều này khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu

Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu

27 Mar, 08:00 AM

Kinhtedothi - Giới chuyên gia cho rằng, quyết định áp thuế của ông Trump sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, đẩy giá ô tô tăng cao, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô trên phạm vi quốc tế.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ