Cảnh báo nguy cơ bong bóng tài sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc suy thoái kinh tế đã có ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực xuất khẩu của Việt Nam, vốn chiểm tới 70% GDP.

KTĐT - Cuộc suy thoái kinh tế đã có ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực xuất khẩu của Việt Nam, vốn chiểm tới 70% GDP.

Cùng với đà phục hồi, kinh tế Việt Nam đang xuất hiện một số bong bóng tài sản, giá chứng khoán và bất động sản nóng trở lại, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong báo cáo mới công bố sáng qua 4/11, WB nhận xét nhờ các gói hỗ trợ của Chính phủ, Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. GDP quý III đạt 5,8%, tăng so với con số 4,5% của quý II và 3,1% hồi quý đầu năm 2009. Tuy vậy, Ngân hàng vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho cả năm như báo cáo trước. Theo đó, GDP năm nay của Việt Nam có thể đạt 95,5 tỷ USD. Kể cả khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục kéo dài hỗ trợ lãi suất, con số này cũng không thay đổi vì đã nằm trong tính toán của Ngân hàng, WB cho biết.

"Đi cùng với đà phục hồi, ở Việt Nam đã xuất hiện một số bong bóng tài sản. Giá chứng khoán, bất động sản bắt đầu nóng trở lại", ông Vikram Nehru, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á của WB phát biểu trên cầu truyền hình từ Washington sáng nay. Ông nhận định các chính phủ tại Đông Á, trong đó có Việt Nam cần thận trọng trong chính sách kinh tế nhằm tránh những cú sốc lạm phát.

Cuộc suy thoái kinh tế đã có ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực xuất khẩu của Việt Nam, vốn chiểm tới 70% GDP. Trong 8 tháng đầu 2009, xuất khẩu giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, khiến 2009 trở thành năm đầu tiên Việt Nam suy giảm xuất khẩu kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế. Tuy nhiên, sự xuống dốc của xuất khẩu và nhập khẩu lại giúp thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2009 ước đạt 5%, giảm rõ rệt so với con số 11,9% của năm 2008, theo dự báo của WB.

WB cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xem xét lại gói kích thích kinh tế để đảm bảo duy trì cân bằng nền tài chính ở mức có thể kiểm soát được. Ngân hàng dự đoán thâm hụt tài chính năm 2009 của Việt Nam có thể lên đến 9,4% GDP. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sụt giảm mạnh so với mức 23 tỷ USD vào cuối 2008. Phần lớn sự sụt giảm này diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7/2009 khi Ngân hàng Nhà nước tác động vào thị trường hối đoái nhằm bình ổn tiền tệ.

Theo đánh giá nửa năm của Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng trở lại với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên và phục hồi trước những khu vực kinh tế mạnh khác như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, nếu đưa Trung Quốc ra khỏi phương trình phát triển thì bức tranh khu vực sẽ kém tươi vui.

Nếu không có Trung Quốc thì cả khu vực Đông Á chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay, thay vì 6,7% như dự báo thực tế. Quý III/2009, quốc gia lớn nhất châu Á đạt mức tăng trưởng GDP 8,9%, trong khi các đại diện khác như Hàn Quốc và Singapore chỉ đạt lần lượt 0,6 và 0,8%.

Trong khi các nước trong nhóm G3 vẫn chưa thể phục hồi, thị trường Trung Quốc tỏ rõ những dấu hiệu cho thấy nguồn cung vẫn dồi dào so với cầu. Việc suy giảm xuất khẩu không ảnh hưởng mấy đến Trung Quốc vì nước này không phụ thuộc nhiều vào thị trường ngoài nước như thế giới từng nghĩ. Về vai trò trong nền kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới nhận xét đang có sự chuyển dịch từ Mỹ về Trung Quốc.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần