Cảnh báo nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Năm 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công bố sáng 29/5 nhận định, tăng trưởng GDP năm 2019 là 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội, tuy nhiên lạm phát sẽ khó kiểm soát hơn.

 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo VEPR, đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện ở mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính là công nghiệp và dịch vụ. Tuy vậy, nguy cơ lạm phát vẫn có thể xảy ra (cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội), nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài. Trong nước, các đợt điều chỉnh giá dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng, dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát. Bên ngoài, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới bị cắt giảm.

Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 1,5% so với tháng 12/2018, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2018. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 bị đẩy lên mức tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, từ mức 2,71% của 4 tháng đầu năm.

Trong mức tăng 0,49% của CPI tháng 5/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Đáng chú ý, việc giá xăng dầu tăng cùng với điện tăng do sản lượng tiêu thụ cao đã ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này. Theo đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 2,64% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/5/2019, tác động làm CPI chung tăng 0,25%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,28% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 6,86%; cùng với đó là giá gas tăng 0,6%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,54%.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 5/2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng dầu, điện tăng. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,85% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần