Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo những diễn biến của tỷ giá

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ giá VND/USD không chỉ tác động đến xuất/nhập khẩu, xuất/nhập siêu, mà còn tác động đến nhiều mặt khác, như nợ/trả nợ, dự trữ ngoại tệ, giá vàng, lạm phát…, và quan trọng hơn là lòng tin đối với đồng tiền quốc gia.

Theo đó, diễn biến tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay có thể chia làm 3 đoạn. Đoạn thứ nhất là tháng 1, tỷ giá VND/USD tuy tăng thấp hơn tháng 12/2015 (tăng 0,18% so với 0,69%), nhưng là sự tiếp nối đà tăng của cuối năm trước, do tác động của việc tăng lãi suất USD sau gần 7 năm ở mức gần như bằng 0 và sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ (NDT). Đoạn thứ hai, từ tháng 2 - 8/2016, tỷ giá VND/USD có số tháng giảm với mức giảm lớn hơn số tháng tăng với mức tăng thấp hơn. Đoạn thứ ba, tháng 9, tháng 10 tăng nhẹ và tính chung sau 10 tháng (tức tháng 10/2016 so với tháng 12/2015) vẫn giảm 0,92%, trong khi cùng kỳ tăng 4,94%. Đặc biệt từ trung tuần tháng 11 đến nay đã tăng liên tục (tới 9 lần) với tốc độ cao hơn - tăng khoảng 150 VND/USD, hay tăng khoảng 0,5% so với cuối năm trước. Như vậy có thể thấy, bình quân 10 tháng nay so với cùng kỳ năm trước, tỷ giá VND/USD tăng 2,6% - thấp hơn tốc độ tăng 2,77% của cùng kỳ năm trước.
 Ảnh minh họa
Tỷ giá VND/USD tăng gần đây do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng và có tính khởi đầu xuất phát từ Mỹ, với sự trúng cử Tổng thống cùng nhiều tuyên bố của ông Trump khiến chỉ số đo sức mạnh của đồng USD (USD-Index) đã đạt 101,27 điểm, tăng 2,68% so với cuối năm trước. Giá USD đã tăng 6,84% so với NDT, tăng 2,51% so với đồng Euro… vốn là những đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam. Cùng với đó, lãi suất đồng USD sẽ tiếp tục tăng, được dự đoán ở mức cao hơn, diễn biến thời gian liên tục hơn so với cuối năm 2015. Điều này khiến tỷ giá VND/USD ở tình thế buộc phải tăng để vừa chịu tác động, vừa có tính “vượt trước ngăn chặn” để tránh ảnh hưởng đến xuất/nhập khẩu với Mỹ, đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Một nguyên nhân quan trọng khác xuất phát từ Trung Quốc với sự phá giá kỷ lục của đồng NDT do phải ứng phó, thậm chí cũng “vượt trước ngăn chặn” đối với tác động xuất phát từ Mỹ. Khi so với USD, việc đồng NDT giảm giá với tốc độ mạnh hơn so với sự giảm giá của VND đồng nghĩa với VND lên giá so với NDT, ảnh hưởng tới kim ngạch xuất, nhập khẩu và nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 17,31 tỷ USD, tăng 3352 triệu USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là 40,24 tỷ USD, giảm 576 triệu USD; nhập siêu 22,93 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ (22,93 tỷ USD so với 26,85 tỷ USD). Nay, VND lên giá so với NDT, cộng với tác động ưu đãi thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc… sẽ làm cho nhập siêu lớn sẽ tăng trở lại. Thậm chí Việt Nam còn bị “vạ lây” khi hàng Trung Quốc bị cản trở nhập khẩu vào Mỹ sẽ tràn sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Cảnh báo trên là cần thiết, nhưng không nên “hốt hoảng” thái quá, bởi Việt Nam đang ở trạng thái xuất siêu, do lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gián tiếp (FII), kiều hối, khách quốc tế… lớn và tăng do các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, sự can thiệp của dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục…