Cảnh báo “rác” trong ngôn ngữ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hình ảnh những cô bé, cậu bé tuổi teen ngồi quán xá ăn quà vặt, phì phèo thuốc lá, văng tục chửi thề có thể thấy ở trên đường, ngoài cổng trường, kể cả trong sân trường đến lớp học, khiến những người vô tình nghe được không khỏi giật mình vì lớp trẻ…

Những con số buồn

Cuộc khảo sát điều tra về hành vi lệch chuẩn ở 532 học sinh mới đây của một số trường THCS ở Hà Nội cho thấy lý do sợ cha mẹ chiếm tới 53,3%. Còn trên 50% học sinh biện minh cho hành vi nói dối của mình là hoàn cảnh bắt buộc, không còn cách nào khác. Ngược lại, tỷ lệ học sinh nhận mình có lỗi khi nói dối chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn là 4,8%. Khi được hỏi, đa số các em cho rằng nói dối là để đối phó với các hình phạt của bố mẹ.

Minh Hoàng, học sinh THCS Đống Đa phân bua: "Nhiều khi trót đi chơi với các bạn, hay có hôm mải đá bóng về muộn, em phải nói dối bố mẹ là cô chủ nhiệm dạy toán xin thêm nửa tiếng để dạy bù những hôm cô nghỉ dạy, hay viện lý do xe hỏng, tắc đường…". Hoàng cho biết, nhiều khi không muốn nói dối, nhưng nói thật lại sợ bố mẹ mắng chửi, có khi còn bị ăn roi. Lần đầu tiên nói dối, cũng thấy sợ và ân hận, nhưng khi lời nói dối ấy được bố mẹ chấp nhận và bỏ qua dễ dàng, cảm giác lo sợ và áy náy giảm dần. Đến giờ, Hoàng cảm thấy nói dối bố mẹ là chuyện… bình thường.

Bên cạnh nói dối thì nói tục, chửi thề, hành xử theo kiểu… côn đồ đang là hiện tượng báo động trong giới học sinh, từ  học sinh cấp 1 cho đến sinh viên đại học. Chị Hồng Nga, ở khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa) nói: "Gần đây, tôi xem trên diễn đàn Facebook của một số học sinh chửi thầy, cô với nhiều lời lẽ thô tục được up lên, không thể tưởng tượng là học sinh bây giờ ăn nói nghe mà "sởn gai ốc như vậy". Chị Nga cho biết thêm, có hôm chờ đón con trước cổng trường thấy một nhóm học sinh mặc đồng phục chăm chú nghe một cô bé khoảng 12 - 13 tuổi văng đủ ngôn từ tục tữu. Đám bạn không những tỏ ra đồng tình, mà thỉnh thoảng còn chêm vào một vài câu cùng "chủng loại". Bất chấp chiếc áo đồng phục đang mặc trên người in rõ tên trường và những ánh mắt của phụ huynh, chúng vẫn láo lơ vô tư văng tục, chửi thề.

 Dạo qua một số trường THCS và THPT hiện nay mới thấy "rác" ngôn ngữ xuất hiện ngày càng nhiều trước và sau mỗi giờ tan học. Ngoài ở trường ra thì những câu văng tục, chửi thề còn xuất hiện với tần suất lớn ở các hàng nước, quán net, vỉa hè.

Cảnh báo người lớn

"Rác" ngôn ngữ không chỉ có trong lời nói của học sinh hạnh kiểm kém, học dốt, mà ngay cả học sinh trường chuyên, lớp chọn cũng nói bậy. Đó dường như là một căn bệnh, một trào lưu lây lan nhanh trong học sinh, và người dùng "rác" lại coi đó là "chuyện thường". Điều ấy thật đáng lo ngại, đáng báo động cho sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt đối với lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh chửi thề, nói tục ngày càng nhiều là do môi trường sống, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, gia đình và người thân. Nhiều bậc cha mẹ cũng vì lo toan cuộc sống mưu sinh mà quên đi việc giáo dục con cái, nên khi tận mắt chứng kiến màn nói tục, chửi bậy của con mình, họ đã không khỏi giật mình sửng sốt.

"Rác" trong ngôn ngữ học sinh, nhưng là cảnh báo đối với người lớn. Việc giáo dục về vấn đề này cần được nhà trường lưu tâm, không dung túng. Có lẽ nên có những buổi tọa đàm thiết thực về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và đề cập đến vấn đề này một cách thẳng thắn. Lẽ tất nhiên, để loại bỏ "rác" ra khỏi ngôn ngữ học sinh không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, mà cần có cả sự quan tâm từ phía gia đình. Bởi lời ăn tiếng nói hình thành và phát triển ngay từ những ngày đầu chập chững, cho đến khi lớn lên và trưởng thành, từ một "xã hội thu nhỏ" là gia đình rồi mới đến một xã hội lớn. "Rác" ngôn ngữ đã đến lúc báo động.