Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cảnh báo sớm” của Tổng thống Putin tại một kỳ Hội nghị An ninh Munich

Hương Thảo - An Nguyên - Nguyễn Trọng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trước thềm Hội nghị An ninh Munich 2023, với trọng tâm nghị sự là xung đột ở Ukraine nhưng Nga lại không được mời tham dự, bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin tại sự kiện thường niên diễn ra 16 năm trước ở Đức một lần nữa được nhắc lại…

 

LTS: Ngay trước thềm Hội nghị An ninh Munich 2023, với trọng tâm nghị sự là xung đột ở Ukraine nhưng Nga lại không được mời tham dự, bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin tại sự kiện thường niên diễn ra 16 năm trước ở Đức một lần nữa được nhắc lại…

Báo Kinh tế & Đô thị xin gửi đến bạn đọc bản lược dịch bài viết “Remembering Vladimir Putin’s speech of 10 February 2007 at the Munich Security Conference” của tác giả người Mỹ Alfred de Zayas - Giáo sư luật tại Trường Ngoại giao Geneva, cựu chuyên gia độc lập của Liên Hợp quốc về Trật tự Quốc tế giai đoạn 2012 - 2018. Các tiêu đề do tòa soạn đặt.

Công chúng phương Tây đã bị “bịt mắt”?

16 năm trước, vào ngày 10/2/2007, Tổng thống Nga Putin đã có bài phát biểu mang tính bước ngoặt tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) - một tuyên bố rõ ràng về chính sách đối ngoại của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh, tập trung vào sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế. Các phương tiện truyền thông chính thống đã không cung cấp nhiều thông tin về phân tích an ninh của Putin vào năm 2007. Tuy nhiên, rất đáng để chúng ta xem lại bài phát biểu đó… Nếu mọi người đọc và thực hiện những gì trong đó, chúng ta có lẽ đã không ở trong tình trạng nguy hiểm và chiến tranh bi thảm như ngày nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị An ninh Munich 2007. Ảnh: Reuters      
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị An ninh Munich 2007. Ảnh: Reuters      

Tôi đã nhiều lần chia sẻ với sinh viên của mình ở Trường Ngoại giao Geneva về bài phát biểu năm đó của Putin, cũng như bài xã luận đăng trên tờ New York Times của nhà ngoại giao xuất sắc người Mỹ George F.

Kennan, trong đó ông cảnh báo về việc phá vỡ lời hứa của chúng ta với Nga bằng cách mở rộng lãnh thổ NATO về phía Đông: “Việc mở rộng NATO sẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất trong chính sách của Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Một quyết định như vậy có thể sẽ thổi bùng khuynh hướng dân tộc, chủ nghĩa chống phương Tây và quân phiệt trong quan điểm của người Nga; có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền dân chủ Nga; lập lại bầu không khí chiến tranh lạnh trong quan hệ Đông - Tây”.

Đáng lẽ báo động đã phải rung lên khi Putin phát biểu tại MSC 2007 - tức 10 năm sau lời cảnh báo của Kennan, trong đó Tổng thống Nga bình tĩnh bày tỏ mối quan ngại về: “Cái gọi là các căn cứ tiền tuyến linh hoạt của Mỹ với tối đa 5.000 người ở mỗi căn cứ. Hóa ra NATO đã đưa lực lượng tiền tuyến của mình đến biên giới của chúng tôi, trong khi chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của hiệp ước và hoàn toàn không phản ứng với những hành động này. Tôi nghĩ, rõ ràng là việc mở rộng NATO không có bất kỳ mối liên kết nào với việc hiện đại hóa liên minh, hay với việc đảm bảo an ninh ở châu Âu. Ngược lại, nó thể hiện sự khiêu khích nghiêm trọng làm giảm mức độ tin tưởng lẫn nhau”.

“Và chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Việc mở rộng này nhằm chống lại ai? Và điều gì đã xảy ra với những đảm bảo mà các đối tác phương Tây của chúng tôi đưa ra sau khi Hiệp ước Warsaw bị giải thể? Thậm chí không ai nhớ đến chúng. Nhưng tôi sẽ nhắc nhở người nghe lúc này những gì đã được ký kết. Xin trích dẫn phát biểu của Tổng thư ký NATO, ông Manfred Woerner, tại Brussels vào ngày 17/5/1990. Vào thời điểm đó, ông ấy nói rằng: “Việc chúng tôi không bố trí quân đội NATO bên ngoài lãnh thổ Đức mang lại cho Liên Xô bảo đảm an ninh bền vững” - (PV: Trích phát biểu của Tổng thống Nga Putin tại MSC 2007).

Thật không may, phương Tây lại không mấy tỏ ra quan tâm đến bài phát biểu đó của Putin. Những cảnh báo và dự đoán của ông đã không được thực hiện nghiêm túc. Điều này có lẽ là do chúng ta có một nhận thức méo mó về thực tế, gắn liền với thế giới quan tự cho mình là trung tâm của chúng ta. Các phương tiện truyền thông chính thống cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không thông báo cho công chúng về bài phát biểu của Putin, và về những lời đề nghị đàm phán có thiện chí của ông theo yêu cầu của Điều 2 (3) trong Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ).

Rõ ràng, việc mở rộng NATO cũng như vũ khí hóa Ukraine đã tạo thành một mối đe dọa hiện hữu đối với Nga, và xu hướng “ác hóa” hình ảnh chính quyền Nga cũng như lãnh đạo Putin kể từ đầu những năm 2000 đã kéo theo một “mối đe dọa” sử dụng vũ lực. Hành động này bị cấm theo Điều 2(4) của Hiến chương LHQ.

Khi một “nhành olive” nữa bị từ chối

Theo tôi hiểu lúc đó và cả hiện tại, bài phát biểu của Putin năm 2007 là một bàn tay chìa ra với phương Tây, và là bằng chứng cho thấy ông ấy sẵn sàng ngồi xuống để nói về trật tự thế giới mới sau Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo Michail Gorbachev, Boris Yeltzin và Vladimir Putin hết lần này đến lần khác bày tỏ mong muốn lật sang trang mới trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, bắt đầu hợp tác vì lợi ích của toàn nhân loại.

Một số chính trị gia và học giả ở phương Tây cũng chia sẻ hy vọng rằng cuối cùng thế giới có thể thực hiện giải trừ quân bị để phát triển, cả hai cường quốc hạt nhân lớn sẽ giảm kho dự trữ và cuối cùng là cấm vũ khí hạt nhân. Hãy tưởng tượng, đó là khi tất cả các khoản tài chính đã và đang được đưa vào quân đội, căn cứ quân sự, mua sắm xe tăng, tên lửa và vũ khí hạt nhân, được chuyển qua tài trợ cho giáo dục, y tế, nhà ở, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển!

Nhân loại đã từng có những khoảnh khắc hy vọng ngắn ngủi, cho đến cựu Tổng thống Bill Clinton đập tan chúng bằng cách cố tình phá vỡ lời hứa của cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker từng đưa ra với Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông… Nhiều chính khách phương Tây thậm chí hả hê rằng Nga sẽ không thể làm gì trước sự “trở mặt” của chúng ta. Chúng ta đã lừa dối, như cái cách chúng ta vẫn thường làm trong các mối quan hệ quốc tế. Tôi thậm chí có thể nói rằng chúng ta đã phát triển một “văn hóa gian lận”, lợi dụng người khác bất cứ khi nào có thể.

Trong khi đó, Nga đã không đe dọa bất kỳ ai vào năm 1997, thời điểm mà nước này muốn gia nhập phương Tây dưới ngọn cờ của Hiến chương LHQ - “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” duy nhất hiện có trên thế giới. Nhưng Mỹ đến lúc này vẫn không muốn chia sẻ một thế giới đa phương, đa cực như vậy... Các phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ cũng đã tham gia vào việc công kích Nga trong nhiều thập kỷ, và đã hết sức bôi nhọ các chính trị gia, văn hóa, thậm chí cả các vận động viên Nga. Tôi vẫn nhớ như in những điều lố bịch được viết về các vận động viên Nga trong Thế vận hội mùa Đông Sochi năm 2014; nhớ những bức tranh biếm họa tiêu cực trên báo chí và luận điệu không ngừng phỉ báng người Nga là “những kẻ độc tài”.

Chính việc giả lập những cảm giác tiêu cực như thế đối với các dân tộc và các nền văn hóa khác đã tạo điều kiện cho các chính quyền tuyên truyền chiến tranh, và nhằm biện minh cho các biện pháp trừng phạt cũng như tội ác chiến tranh. Tất cả những điều này là vi phạm Điều 20 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ.

Và vấn đề này không còn chỉ giới hạn ở Mỹ. Những học giả hoặc nhà báo cố gắng duy trì sự khách quan và đưa tin một cách cân bằng về xung đột ở Ukraine đã và đang bị gắn mác là những “con rối của Putin”… Quả thực, nhiều người trong số những bộ óc xuất sắc của chúng ta đã nhận ra mối nguy hiểm do sự bành trướng của NATO gây ra. Nhiều người hiểu rằng nếu chúng ta tiếp tục khiêu khích “gấu” Nga, sớm muộn gì cũng bị gấu đáp trả.

Trở lại tháng 8/2008 - tức hơn một năm sau bài phát biểu của Putin tại MSC 2007, Tổng thống Gruzia lúc bấy giờ Mikheil Saakashvili, dưới sự xúi giục của Mỹ, quyết định tấn công Nam Ossetia. Sau phản ứng quyết đoán và tương xứng của Nga trong cuộc chiến ngắn ngủi đó, những tưởng chúng ta đã có thể rút ra bài học. Nhưng đáng tiếc, chúng ta không học được bất cứ điều gì, để rồi tiếp tục khiêu khích và tuyên truyền chiến tranh…