Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo suy giảm sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường và bệnh tim đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ tuổi, bất chấp sự phát triển của y học hiện đại.

Mặc dù tuổi thọ của con người ngày càng tăng, các bệnh như béo phì, tiểu đường và ung thư vẫn là mỗi đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe, đặc biệt là khi chúng xuất hiện ở những người trẻ tuổi thường xuyên hơn. 

Nghiên cứu gần đây cho thấy, những người sinh ra sau Thế chiến II khi đến tuổi trung niên có sức khỏe kém hơn so với các thế hệ trước ở cùng độ tuổi.

Các chuyên gia tại đại học Oxford và College London cho rằng béo phì và các bệnh mãn tính khác ngày càng xuất hiện ở người trẻ cho thấy sức khỏe con người ngày càng đi xuống.

Những người sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai có sức khỏe suy giảm đáng kể so với các thế hệ trước đó. Ảnh: EPA
Những người sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai có sức khỏe suy giảm đáng kể so với các thế hệ trước đó. Ảnh: EPA

Theo kết quả một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Gerontology, trong thế kỷ 20, tỷ lệ mắc bệnh và rủi ro sức khỏe đã tăng lên rõ rệt qua các thế hệ.

Laura Gimeno, tác giả nghiên cứu, nhận định con người đang đối mặt với tình trạng suy giảm sức khỏe qua từng thế hệ. Cụ thể, thế hệ trẻ có sức khỏe kém hơn các thế hệ trước khi ở cùng độ tuổi.

“Ngay cả khi y học phát triển và mọi người ý thức hơn về lối sống lành mạnh, những người sinh sau năm 1945 vẫn dễ mắc bệnh mãn tính và tàn tật hơn so với thế hệ trước” - chuyên gia Gimeno kết luận.

Theo ông, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và xã hội ngày càng tăng sẽ tạo ra gánh nặng lớn lên chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt khi gần một phần năm dân số ở các quốc gia phương Tây phát triển đã bước sang tuổi 65.

Để đưa ra kết luận này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 100.000 người trong giai đoạn 2004-2018, bao gồm nhiều thế hệ từ 50 tuổi trở lên tại Anh, Mỹ và các nước châu Âu. Họ phát hiện, tỷ lệ mắc bệnh mãn tính ngày càng tăng lên, đặc biệt khi so sánh những người sinh ra trong giai đoạn 1936-1945 với những người sinh ra từ năm 1955-1959.

Từ đó, nghiên cứu kết luận những người sinh ra sau Thế chiến thứ hai có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn 1,5  lần so với những người đi trước ở cùng độ tuổi.

So với các thế hệ trước, giới trẻ ngày nay có sức khỏe yếu hơn đáng kể. Nghiên cứu chỉ ra rằng, người trẻ thường cảm thấy khó khăn và lúng túng hơn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày như tắm, ăn uống và đi lại.

Mặc dù tỷ lệ tàn tật do chiến tranh giảm đi, nhưng sự gia tăng của các bệnh mãn tính và béo phì đang khiến thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt với nguy cơ tàn tật cao hơn ở tuổi trung niên và về già.

“Nếu tuổi thọ trung bình vẫn duy trì mức ổn định hoặc tiếp tục tăng, các thế hệ trẻ có thể sẽ phải sống nhiều năm trong đau ốm và tàn tật”, chuyên gia Gimeno chia sẻ.